TIN THỦY SẢN

Tập trung chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao

Nghề nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là cá điêu hồng đang phát triển mạnh tại Bình Định. Ảnh: NT NT

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định.

Bên cạnh những giống cá truyền thống, nhiều giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, cá chạch đồng, cá rô đầu vuông,… đã được người dân đưa vào nuôi nhằm đa dạng hóa loài nuôi, đồng thời bổ sung sản phẩm hàng hóa đa dạng cho người nông dân.

Bình Định là một tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ có 160 hồ lớn nhỏ với trên 5.000 ha diện tích mặt nước. Nghề nuôi cá nước ngọt tỉnh Bình Định phát triển chủ yếu ở hình thức nuôi quảng canh hồ chứa và nuôi cá ao đất.

Nhằm tận dụng lợi thế về điều kiện ao hồ, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nghề nuôi cá nước ngọt bền vững hơn. Sáng ngày 15/10, tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao cho 50 hộ nông dân nuôi cá trên địa bàn huyện.

Tại lớp tập huấn, các hộ nông dân được chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm một số loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá thát lát cườm, cá lăng nha, cá chình, lươn,... Theo đó, các hộ dân được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cải tạo ao, lồng bè; chọn con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, thả giống với mật độ hợp lý; kỹ thuật cho ăn, chăm sóc, quản lý môi trường nuôi,... Đồng thời, được hướng dẫn các biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên các loài thủy sản nước ngọt.

Qua lớp tập huấn, các hộ nông dân các kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi thủy đặc sản hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, phát triển ổn định và bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

NT