Tất cả các rạn san hô ở tây Ấn Độ Dương có thể bị "tẩy trắng"
Các rạn san hô từ Seychelles đến Nam Phi có thể bị sụp đổ do nhiệt độ nóng lên và đánh bắt quá mức, theo nghiên cứu mới.
Một rạn san hô sụp đổ có nghĩa là nó không còn chức năng như một hệ thống đá ngầm. Tất cả các “dịch vụ sinh thái” mà các rạn san hô cung cấp - bảo vệ bờ biển khỏi nước biển dâng, du lịch, nghề cá, sinh kế cho các hộ gia đình và cộng đồng có thu nhập thấp - đều sẽ bị đe dọa. Ở Đông Phi, ngành du lịch có vai trò rất lớn và phụ thuộc vào các rạn san hô khỏe mạnh.
Một nghiên cứu mới khảo sát các rạn san hô ở 10 quốc gia phía tây Ấn Độ Dương và 11 tiểu vùng dựa trên khung sách đỏ về hệ sinh thái của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và cho thấy: nhiệt độ nóng lên và đánh bắt quá mức các loài săn mồi hàng đầu là nguyên nhân gây suy giảm các rạn san hô trong khu vực. Do đó, ngoài cách giảm phát thải để hạn chế nóng lên toàn cầu, "cần thiết phải cải thiện quản lý nghề cá địa phương để đảm bảo sức khỏe của các hệ thống rạn san hô và đảm bảo nguồn cá bền vững," Mishal Gudka, nhà khoa học tại Nghiên cứu và Phát triển Đại dương ven biển (CORDO), Đông Phi, đồng tác giả của nghiên cứu,nói.
Tất cả các rạn san hô ở tây Ấn Độ Dương có khả năng sụp đổ trong 50 năm tới.
Kể từ những năm 1950, độ che phủ của rạn san hô trên thế giới đã giảm một nửa do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đánh bắt quá mức, ô nhiễm và môi trường sống bị phá hủy. Sự suy giảm của các hệ sinh thái, vốn là những vườn ươm quan trọng cho cá con trên toàn cầu, dự kiến sẽ tiếp diễn khi khí hậu tiếp tục nóng lên.