Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Chưa đáp ứng nhu cầu
Với hơn 6.100 tàu khai thác thủy sản, Phú Yên là một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, hiện đội tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.
CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU
Theo Sở NN-PTNT, nghề đánh bắt thủy sản hình thành và phát triển khá sớm ở Phú Yên, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn gia đình ngư dân. Đến nay đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh có trên 6.100 tàu, trong đó hơn 1.100 tàu công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Để giúp ngư dân có thể vươn khơi bám biển dài ngày, thời gian qua, các ngành chức năng rất chú trọng đến việc phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá với nhiệm vụ thu mua thủy sản và tiếp nhiên, vật liệu cho các tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, hiện đội tàu dịch vụ của địa phương còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Quang ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: Gia đình tôi có một tàu công suất 400CV chuyên đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Bình thường, mỗi chuyến biển khoảng 30 ngày. Có những chuyến biển, vì không gặp luồng cá nên sản lượng đạt thấp nhưng vẫn phải về bờ vì cạn nhiên liệu, thực phẩm. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, Nhà nước quan tâm đầu tư để có được đội tàu dịch vụ hậu cần, đáp ứng nhu cầu thu mua thủy sản trên biển và cung ứng nguyên liệu, thực phẩm cho tàu đánh bắt để ngư dân chúng tôi bám biển được dài ngày hơn.
Còn theo ông Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu), gia đình ông làm nghề khai thác thủy sản xa bờ được chục năm nay. Tuy nhiên, vì ở địa phương chưa có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nên mỗi chuyến biển, sau khi đánh bắt được, ông phải cho thuyền cập bờ để tiêu thụ sớm, nếu không chất lượng cá sẽ bị ảnh hưởng, giá trị cũng giảm mạnh. Để có thể đi biển dài ngày hơn, gia đình ông Lanh đang đầu tư đóng mới tàu khai thác bằng vỏ thép với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề câu. Theo ông Lanh, tàu vỏ thép của gia đình ông đang đóng có trang bị hầm bảo quản cá bằng công nghệ PU hiện đại, nhờ vậy chuyến biển cũng được dài ngày hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT) Trần Ngọc Nhạn cho hay: Hiện Phú Yên chưa có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 60 tàu thu mua thủy sản trên biển, tập trung ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), đội tàu này chỉ thu mua thủy sản, còn việc cung cấp nguyên liệu và thực phẩm thì chưa có.
NHIỀU CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, nhằm khuyến khích người dân đầu tư đóng mới, xây dựng phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, Chính phủ đã triển khai Nghị định 67 với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngư dân, doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, khi cá nhân, đơn vị có nhu cầu đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị bảo quản thủy sản, bốc xếp hàng hóa sẽ được hỗ trợ vay vốn với giá trị vay từ 70-95% giá trị đóng tàu, lãi suất ưu đãi từ 1-3%/năm... Khi sửa chữa, nâng cấp tàu, chủ tàu được hỗ trợ vay vốn tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 3%/năm khi nâng cấp công suất tàu lên hơn 400CV. Ngoài ra, các tàu hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ có công suất từ 400CV trở lên còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác thủy sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm thủy sản về đất liền với mức hỗ trợ từ 40-80 triệu đồng/chuyến và hỗ trợ 10 chuyến/năm; hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm thuyền viên và 70-90% chi phí bảo hiểm tàu…
Với những chính sách ưu đãi của Nghị định 67, hiện một số chủ tàu chuyên hoạt động thu mua thủy sản trên biển đang có ý định nâng cấp thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo ông Bùi Hơn ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), gia đình ông có một tàu công suất 400CV, lâu nay chuyên thu mua thủy sản trên biển. Qua tìm hiểu Nghị định 67, sắp tới, gia đình ông sẽ đầu tư nâng cấp thành tàu dịch vụ hậu cần. Ngoài thu mua thủy sản, tàu sẽ tiếp nhiên liệu, thực phẩm, nước uống cho các tàu đánh bắt.
Theo Sở NN-PTNT, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay, Phú Yên có 19 chủ tàu được phê duyệt đủđiều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu khai thác thủy sản, chưa có cá nhân, đơn vị nào đăng ký vay vốn đóng mới hoặc cải hoán tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.