TIN THỦY SẢN

Thả giống thủy sản ra tự nhiên: Mặt trái của vấn đề

Tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng cần "kỹ thuật". Ảnh: Gaz Prom Hồng Huyền

Việc thả cá giống ra tự nhiên ngày càng được tuyên truyền như cách nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên, xét về mặt trái của vấn đề, có khi đây lại là "lợi bất cập hại".

Nhân ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, các Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cùng các địa phương đã tích cực thực hiện công tác tái tạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước tạo thành phong trào thả tôm cá giống lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012, trong chương trình này đã xác định công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những nội dung quan trọng nhằm góp phần phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trên tinh thần đó các tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt chọn ngày 1 tháng 4 hàng năm (Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam) là ngày thả giống thủy sản về tự nhiên. 

Hiện nay, chương trình đã hoàn thành 2 năm nhưng các địa phương vẫn tiếp tục đồng hành nhằm khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên. Đây là hướng tích cực của chương trình đã gây hiệu ứng rất lớn đến nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên. 


Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, nhiều địa phương tiến hành thả giống về tự nhiên.

Tuy nhiên, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng còn tồn tại một số vấn đề như số lượng giống thả không nhiều nên khả năng phục hồi quần đàn chưa cao, công tác bảo vệ khu vực thả và loài thủy sản sau khi thả chưa hiệu quả, một số loài thủy sản thả chưa phù hợp, việc đánh giá hiệu quả của hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được thực hiện, mặc dù Tổng cục Thủy sản có ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.  

Về mặt di truyền, việc thả giống thủy sản kéo dài qua nhiều thế hệ sẽ dẫn đến đặc tính di truyền của các quần thể thủy sản ngày càng giống nhau nhiều hơn, do có sự pha trộn giữa các quần thể thủy sản do con người nuôi và thả ra ngoài tự nhiên, những đối tượng này đã được thuần hóa thích nghi với điều kiện nuôi nhốt. 

Trong thực tế để đảm bảo về hiệu quả nuôi trồng thì các trại giống không sử dụng một số loài tôm cá bản địa, chính điều này đã dẫn đến sự đồng nhất gen. Đối với một số loài tôm cá có tập tính di cư sinh sản nếu giống được thẳng ra biển, chứ không phải ra sông, điều này sẽ phát sinh một vấn đề mới những con cá này mất khả năng xác định nơi sinh của chúng để sau này chúng tự tìm về để đẻ trứng và ngược lại. Vì thế những con cá, tôm này “trôi nổi” dẫn đến việc pha trộn đặc tính gen. 

Việc đồng nhất đặc tính di truyền ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như sự đề kháng của cá thể cũng như quần thể tôm cá. Các biến thể di truyền địa phương, ít nhất là trong ngắn hạn đến trung hạn, sẽ được thay thế bằng các biến thể di truyền không thích nghi, điều này sẽ làm giảm khả năng chống chịu với những thay đổi của môi trường trong tương lai. Có thể hình dung rằng sự thích nghi di truyền của giống địa phương với nhiệt độ nước cao hơn, vốn có thể hữu ích trong thời kỳ biến đổi khí hậu, có thể bị mất đi, sự đồng nhất về gen có lẽ đã dẫn đến những hậu quả sinh học tiêu cực, khi gene di truyền bị nghèo đi có thể dẫn đến sự giảm sút tính đa dạng và cả khả năng thích nghi của các quần thể sinh vật. 

Để hoạt động phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản thật sự hiệu quả và có tính bền vững cần có những nghiên cứu chiến lược cụ thể hơn trong công tác lựa chọn con giống, đánh giá hiệu quả thực sự chương trình mang lại cho nguồn lợi thủy sản cũng như hoạt động khai thác của người dân địa phương. Đặc biệt là vấn đề phục hồi quần đàn gắn liền với đặc điểm di truyền để tránh việc trôi dạt các nguồn gen quý hiếm. Nhằm đáp ứng 2 mục tiêu chính là (i) thả giống để bổ sung, tăng cường nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực, gia tăng số lượng cá thể, quần đàn phục vụ khai thác thủy sản; (ii) và phục hồi lại quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm trong tự nhiên, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Hồng Huyền