Thách thức mới của ngành tôm Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững
Trong 6 tháng đầu năm 2016, diện tích và sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 (trừ diện tích tôm sú tăng nhẹ, 3%). Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong 6 tháng vẫn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015, đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD. Đặc biệt là, 4/5 thị trường xuất khẩu chính đều tăng: Mỹ (13,8%), EU (6,5%), Hàn Quốc (6%), Trung Quốc (41,8%); riêng Nhật Bản giảm 8,8%. Xuất khẩu phục hồi nhờ nhu cầu phục hồi và giá tôm tăng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có nguồn cung tôm sú lớn nhất thế giới, trong khi nhu cầu tôm sú từ Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh. So với các nước khác, tôm sú Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ. Với công nghệ chế biến tốt và với ưu thế về lao động, Việt Nam chiếm lợi thế hơn các nước đối thủ ở phân khúc hàng chế biến. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Song song với những Cơ hội, ngành tôm Việt Nam cũng phải chấp nhận những Thách thức: Nguyên liệu không ổn định, hạn hán và xâm nhập mặn làm giảm sản lượng. Giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh về giá, ví dụ như: chi phí cho thức ăn nuôi tôm chân trắng có thời điểm lên đến 70%. Trong khi chi phí đầu vào cao, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam trái lại rất thấp khiến giá nguyên liệu đắt hơn nhiều nước. Khi xuất khẩu vào các nước thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Việt Nam sẽ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vượt qua được các điều kiện về hàng rào kỹ thuật (TBT), đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch động thực vật (SPS).
Các hiệp định FTA thế hệ mới
Các Hiệp định FTA thế hệ mới không chỉ bó hẹp trong thương mại và đầu tư, mà cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao, cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công; Ngoài ra, còn bao trùm cả các lĩnh vực khác, như: đấu thầu, môi trường, lao động và công đoàn.
Năm 2015, Việt Nam đã rất thành công trong hoạt động hội nhập, đã ký được 04 hiệp định lớn. Trong đó, 02 hiệp định VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc) và VN-EAEU (ký với 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) là các hiệp định FTA thông thường. 02 hiệp định tiếp theo EVFTA (ký với các nước EU) và TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) chính là những hiệp định FTA thế hệ mới. Nhưng, dù là FTA thông thường hay FTA thế hệ mới thì yếu tố quan trọng nhất thể hiện qua việc cắt giảm thuế quan về 0% theo lộ trình, bao gồm: Cam kết thuế quan của các nước đối tác đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam; Cam kết thuế quan của Việt Nam đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ các nước đối tác.
Tuy nhiên, có nhiều thách thức đến từ các FTA mới, như: Quy tắc xuất xứ chặt hơn so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn. Chất lượng sản phẩm tôm của Việt Nam lộ rõ tính cạnh tranh kém hơn các nước đối tác FTA; chịu sự cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác FTA tại thị trường nội địa. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp nuôi tôm cạnh tranh để phát triển bền vững
Năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm cả nước đạt 680 nghìn ha, tổng sản lượng 600 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 3 tỷ USD. Trong đó, diện tích tại vùng nuôi trọng điểm - các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 91,2% (tương đương 621 nghìn ha), sản lượng đạt 484 nghìn tấn.
Hiện tôm sú được nuôi với 05 hình thức (thâm canh-bán thâm canh, tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp), trong khi tôm thẻ chân trắng chỉ nuôi bằng một hình thức duy nhất (thâm canh-bán thâm canh).
Nghề nuôi tôm tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, do: Biến đổi khí hậu và hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL; Nguồn giống bị lệ thuộc (nhập khẩu hoặc khai thác tự nhiên) - nguồn giống tôm thẻ chân trắng chủ yếu là nhập khẩu; Thiếu sự liên kết/hợp tác, thiếu thông tin thị trường (số hộ nhỏ lẻ chiếm đến 80%); Thức ăn chiếm tỷ lệ cao trong giá thành (65% và ngày càng tăng cao).
Trước tình hình đó, một số giải pháp cụ thể được đặt ra như: nâng cao chất lượng giống, chọn tạo giống kháng bệnh (nuôi quảng canh – quảng canh cải tiến), giống sạch bệnh (thâm canh – bán thâm canh), tăng trưởng. Áp dụng công nghệ/giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường, như: bioflocs, nuôi hai giai đoạn/đa chu kỳ/đa ao, ương gièo, nuôi trong nhà bạt, sử dụng chế phẩm VSV…
Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính; Phát triển các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng; Áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm. Về tổ chức sản xuất và cơ chế chính sách, khuyến khích ứng dụng GAP; thực hiện quan trắc môi trường và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung; tăng cường các chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ quy mô nhỏ… Trong đó, giải pháp tối ưu chính là tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, ngành tôm Việt Nam mới có thể nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững.