Thái Bình: Hướng đi đúng trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Những năm qua, huyện Tiền Hải đã có nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi tạo ra sự đột phá mới, mang về nguồn thu nhập khá cao cho người dân.
Trái với cảnh nuôi tôm sú quảng canh cho hiệu quả kinh tế không cao thì người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Tiền Hải lại phấn khởi sau nhiều vụ nuôi đại thắng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong bể nổi của ông Đào Xuân Tứ, xã Nam Thắng với nhiều ưu điểm vượt trội so với ao đất, ao trải bạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tứ chia sẻ: Sau khi đi tham quan nhiều nơi, tôi nhận ra rằng nếu áp dụng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi sẽ giúp quản lý hoạt động nuôi tôm, môi trường nước tốt hơn nhằm nâng cao tỷ lệ sống, năng suất và chất lượng của tôm. Diện tích nuôi tôm bể nổi tròn dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng đã khắc phục nhiều nhược điểm nuôi tôm ở ao đất và phủ bạt. Ưu điểm của mô hình này là tỷ lệ sống của tôm đạt trên 90% bởi ao nuôi sử dụng quạt đảo nước liên tục, lắp đặt hệ thống tuần hoàn nên tiết kiệm được lượng nước sử dụng. Ngoài ra, tại mỗi ao nuôi đều lắp hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường (pH, oxy hòa tan, độ kiềm...). Bể thiết kế tròn nên khi vận hành quạt nước tạo lực ly tâm cao, các chất thải được gom vào chính giữa, thuận tiện cho việc xả, quản lý môi trường nước tốt. Với gần 2 mẫu, ông Tứ chia làm 2 khu vực, trong đó 1 mẫu làm ao chứa nước, ao lắng khử trùng nước trước khi đưa nước sạch vào hệ thống ao nuôi. Vụ nuôi vừa qua, gia đình ông thu về lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Tiền Hải xử lý môi trường ao nuôi trước khi xuống giống.
Còn đối với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được xây dựng đầu tiên ở huyện Tiền Hải do Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thái Bình thực hiện tại xã Nam Thịnh, nhiều năm qua hiệu quả kinh tế đã được khẳng định. Trên diện tích hơn 100ha, mô hình được xây dựng khép kín, quy trình vận hành khoa học với số vốn đầu tư ban đầu trên 50 tỷ đồng. Nước trước khi đưa vào nuôi tôm được bơm vào các ao xử lý diệt khuẩn bằng các hóa chất nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, sau đó nước được bơm qua ao chứa và để lắng hoàn toàn. Con giống cũng được tuyển chọn rất kỹ bằng phương pháp test PCR để hạn chế bệnh lây nhiễm. Ngoài ra, máy cho ăn tự động cũng được thiết kế dựa theo tần số sinh học của tôm. Hiện nay, diện tích nuôi thả của Công ty đạt khoảng 50ha; mỗi vụ nuôi tôm đã mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần nuôi tôm ao đất.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Không chỉ thành công ở hai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ở Nam Thắng, Nam Thịnh mà những năm qua các địa phương ven biển của Tiền Hải đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như ở các xã Nam Cường, Nam Phú, Đông Minh... mỗi vụ người nuôi tôm thu về từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, huyện Tiền Hải đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân trong tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất. Đẩy mạnh hướng dẫn người nuôi hình thành liên kết trong sản xuất; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn cung đầu vào có chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện ở các vùng nuôi tôm tập trung. Tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu nuôi, thu hoạch. Tổ chức đánh giá, tổng kết các mô hình nuôi tôm mới thành công trên nhiều mặt để tiếp tục nhân rộng. Khuyến cáo người nuôi phải đầu tư tốt ao nuôi, điện lưới, máy móc và các thiết bị cần thiết khác. Trong đó có những yếu tố quyết định nuôi tôm thành công là: mật độ thả nuôi tôm trong ao có tác động trực tiếp đến hiệu suất sinh trưởng và sản lượng trong nuôi trồng thủy sản. Mật độ thả nuôi tôm có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe và làm chậm sự phát triển của tôm nếu không được thả đúng cách. Cũng giống như mật độ nuôi, đối với tôm thẻ chân trắng nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp là giải pháp tối ưu về giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế. Loại bỏ thức ăn thừa và bùn thải ra khỏi lồng nuôi để tránh dịch bệnh cho tôm, bảo đảm cho các vụ nuôi tôm thắng lợi.