Thăm tàu cá lớn nhất miền Bắc ở Vân Đồn
Đến huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khi hỏi về những con tàu đánh bắt xa bờ, ai cũng nhắc tới con tàu lớn nhất miền Bắc của ông Nguyễn Văn Khắc ở thôn 11, xã Hạ Long.
Khát khao vươn biển lớn
Qua Văn phòng Huyện ủy Vân Đồn, tôi đã liên lạc được với chủ tàu. Ông Khắc hẹn tôi cứ vào mùa trăng hàng tháng (quãng từ mùng 10 đến 20 âm lịch) thì tàu ông sẽ cập cảng, nhưng con tàu đánh bắt tuyến khơi suốt từ khu vực đảo Bạch Long Vỹ đến khu vực đảo Phú Quý và Trường Sa nên rất nhiều lần liên lạc tôi vẫn chưa gặp được. Thấm thoát gần một năm trời “phục kích” tôi mới gặp được ông - ngư dân nổi tiếng trên các vùng biển trong Nam ngoài Bắc.
Đã gần xế chiều mà cái nắng, cái nóng vẫn hầm hập, chị Vân Anh (Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Vân Đồn) đích thân chạy xe máy đưa tôi đến gặp ông tại căn nhà riêng khang trang bề thế nằm sâu trong khu dân cư đông đúc. Thật khác với tưởng tượng ban đầu, ông Khắc cao to, phong độ với làn da khá trắng trẻo, gương mặt vuông vức như một tài tử điện ảnh, chỉ duy có phong cách đi đứng nói năng là mạnh mẽ dứt khoát mang đậm chất của người miền biển.
Là người sinh ra và lớn lên ở Vân Đồn, nên tuổi thơ của ông quá đỗi quen thuộc với những con tàu đánh cá và hương vị mặn mòi của biển trong mỗi chuyến theo ông nội ra khơi. Năm 1979 khi mới 17 tuổi, chàng trai ấy hồ hởi cùng với các bạn xa đất liền ra đảo Cô Tô vừa theo học nghề thợ máy của ngành Thủy Sản vừa làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo, bởi khi ấy đất nước đang có chiến tranh biên giới. Ra trường, ông về làm việc tại Hợp tác xã nghề cá của huyện, rồi đến năm 1990 cùng với xu thế đổi mới và khuyến khích các thành phần kinh tế, ông tách ra đóng riêng con tàu 12 CV bằng 8 tấn phương tiện đi đánh bắt quanh khu vực đảo Cô Tô.
Với khát khao vươn ra biển lớn khơi xa, năm 1998 ông dốc toàn bộ vốn liếng dành dụm được và vay mượn bạn bè đóng con tàu lớn 183 mã lực. Đại dương mênh mông đã không phụ con người giàu nghị lực và khát vọng vươn ra biển ấy. Sau những chuyến ra khơi, các khoang tàu của ông luôn chứa đầy các loài cá có giá trị. Từ thành quả đó, năm 2000, ông tiếp tục đóng mới thêm 1 con tàu lớn để đi khơi và các năm tiếp theo do trúng mùa cá liên tiếp mỗi năm ông lại đóng mới thêm 1 con tàu. Cho đến năm 2005 trong tay ông có cả một đội tàu hùng hậu gồm 6 chiếc, mỗi chiếc trị giá gần 1 tỷ đồng, liên tục căng buồm ra khơi.
Bữa trưa đầm ấm của các thủy thủ trên tàu
Mấy năm gần đây, phần do vợ ốm thiếu người quản lý, phần do sản lượng đánh bắt giảm đi đáng kể, ông đã bán đi các con tàu nhỏ, chỉ để lại duy nhất con tàu 800 mã lực. Đây là con tàu ông trục vớt về và sửa chữa nâng cấp lại vào năm 2009, cũng là con tàu hiện đại và dài nhất miền Bắc hiện nay. Vượt trội hẳn so với những con tàu bình thường khác, ngoài ra-đa tránh chướng ngại vật trên biển, máy định vị, máy gọi tầm xa, tầm gần, con tàu của ông còn được trang bị 2 máy đảm bảo hải trình của tàu luôn được chủ động; đặc biệt tàu còn được trang bị hệ thống máy dò cá có bán kính 900m và hầm bảo quản cá bằng máy phả lạnh có công suất 50 tấn mà hiếm tàu cá nào có được.
Nghề đang mai một
Ngắm con tàu của ông vượt trội hơn hẳn các con tàu xung quanh, phần mũi và đuôi tàu dài hơn, cao vếch lên cùng với dàn đèn dụ cá nhiều nhất, tôi loay hoay mãi mà không dám trèo lên mũi tàu bằng cầu thang mà phải trèo lên con tàu cá nằm bên cạnh rồi mới sang được. Tại đây, trong lúc cập cảng nghỉ ngơi, các thủy thủ vẫn miệt mài vá lưới và sửa chữa bảo dưỡng máy móc chuẩn bị cho chuyến đi biển nay mai. Trong bữa cơm trưa thân mật trên tàu, anh Nguyễn Văn Trường, thủy thủ có kinh nghiệm nhất trên tàu cho biết, so với đi bể ở quê anh (xã Hải Lý - Hải Hậu - Nam Định) thì đi biển tuyến khơi ở đây cho thu nhập tốt hơn, nên anh đã đưa thêm 4 anh em cùng quê ra đây làm ăn. Anh tâm sự: suốt từ tháng Giêng đến nay cả tàu liên tục đánh bắt ở khu vực biển phía Nam nên chưa có ai được về thăm nhà, sau bữa cơm anh em gắng hoàn thành nốt phần vá lưới còn lại rồi về quê thăm gia đình vài ngày để ngày 20 âm lịch còn kịp có mặt tại tàu chuẩn bị lên đường ra khơi.
Thủy thủ giàu kinh nghiệm Nguyễn Văn Trường trên tàu cá của ông Khắc
Từ nhiều năm nay, huyện Vân Đồn chỉ có một cây cầu cảng duy nhất vừa là cảng cá, vừa là cảng dân sinh và cũng là cảng du lịch nên gây rất nhiều khó khăn cho việc neo đậu tàu thuyền và giao thương đi lại. Bên cạnh đó, ở Vân Đồn hiện chỉ có 1 Công ty chế biến nước mắm Cái Rồng công suất tiêu thụ cũng khiêm tốn từ 400 - 600 tấn cá cơm, cá quẩn... mỗi năm, dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây cũng đang bị mai một, do vậy các chủ tàu cá không khỏi băn khoăn, lo lắng cả về thị trường tiêu thụ; trong khi riêng huyện Vân Đồn đã có 1670 phương tiện khai thác thủy sản các loại với sản lượng khai thác 18.730 tấn vào năm 2012, chưa kể đến sự có mặt của các tàu cá từ nhiều địa phương khác cũng thường xuyên qua lại. Được biết, huyện Vân Đồn trong khi đợi phê duyệt Đề án Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã chủ động mở rộng tạm thời khu cảng hiện có, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ bà con ngư dân về nguồn vốn để đóng mới sửa chữa tàu thuyền, cứu nạn, cứa hộ và mở rộng thị trường tiêu thụ giúp bà con ngư dân ai yên tâm bám biển vươn ra khơi và phát triển bằng nghề biển.