Thận trọng: Giá cá tra sát mốc kỷ lục, bài học năm 2018 chớ vội quên
Năm 2018, khi giá cá tra tăng kỷ lục, người dân đổ xô nuôi vòng luẩn quẩn dư cung - thiếu cầu lại bắt đầu. Giá cá tra lao dốc từ 33.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng ngay sau đó một năm. Năm nay nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra lại được đẩy lên và giới chuyên gia trong ngành tiếp tục lên tiếng cảnh báo về kế hoạch thả nuôi hợp lý.
Doanh nghiệp thấp thỏm vì thiếu nguyên liệu
Tình hình nguồn cung thiếu hụt nguồn cung cá tra ngay từ đầu năm đã khiến giá cá tra nguyên liệu tăng vọt tới 18 - 20% so với cuối năm ngoái lên 30.000 - 32.000 đồng/kg. Như vậy, mức giá này đã rất sát so với ngưỡng kỷ lục so với năm 2018 là 33.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, người dân đã có lời khoảng 5.000 đồng/kg. Đây là tia sáng đối với ngành trong bối cảnh mọi chi phí từ thức ăn chăn nuôi đến con giống đều tăng phi mã.
Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hộ đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch cho năm nay. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và đâu dám thả nuôi thêm. Điều này dẫn tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay từ năm.
Giá cá tra tăng vọt ngay từ đầu năm. (Số liệu: VASEP, Đồ họa: Alex Chu)
Trao đổi với phóng viên, ông ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết: “Nuôi cá tra phải mất ít nhất 8 tháng mới có thể thu hoạch. Do đó, việc người dân thả muộn không kịp nguồn cung cho đầu năm. Hiện nay cá phụ vụ cho chế biến chủ yếu là nguồn hàng từ năm ngoái”. Ông Hòe dự báo nguồn cung cá tra năm nay có thể thiếu hụt 20%. Thiếu hụt cá nguyên liệu khiến các doanh nghiệp chế biến thấp thỏm lo sợ không đủ hàng để xuất trong khi đơn hàng liên tục tăng ngày từ đầu năm.
Theo trang UnderCurrentnews, Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Siam Canadian tại Việt Nam cho biết các công ty chế biến đang lo ngày càng lo ngại tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và giá liên tục tăng. Trong khi đó, nhiều nông dân còn hàng thì chưa muốn bán bởi họ tin rằng giá sẽ còn cao hơn nữa. Điều này càng gây khó khăn cho việc đáp ứng đủ lượng hàng đã ký hợp đồng với khách hàng và buộc phải xin tạm hoãn giao hàng.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, cho biết hiện công suất của các nhà máy đã quay trở lại mức bình thường sau khi giảm mạnh trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, hiện tại không có bất kỳ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi tỷ lệ phủ vắc xin ở Việt Nam nói chung và các nhà máy nói riêng đều cao.
Tuy nhiên, bà Tâm tỏ ra lo ngại trước tình hình thiếu nguyên liệu và giá có thể tăng từ nay đến cuối năm 2022. “Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm ngoái kéo dài đến năm nay. Điều này càng đẩy chi phí nuôi cá tăng cao. Từ nay đến cuối năm, giá cá tra sẽ ngày càng cao”, bà Tâm nói.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá nhận định đà tăng của giá cá tra nguyên liệu và xuất khẩu sẽ kéo dài đến tháng 4 và có thể đạt đỉnh trong cuối năm 2022, đầu năm 2023. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, đây là cơ hội cho cá tra có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng nếu cước tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa do cạnh tranh với giá nhiều lợi cá biển và giá thịt gà, gia cầm khác
Bài học năm 2018 vẫn còn
Năm 2018, khi giá cá tra tăng kỷ lục, người dân đổ xô nuôi vòng luẩn quẩn dư cung - thiếu cầu lại bắt đầu. Giá cá tra lao dốc từ 33.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng ngay sau đó một năm. Năm nay nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra lại được đẩy lên và giới chuyên gia trong ngành tiếp tục lên tiếng cảnh báo về kế hoạch thả nuôi hợp lý.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết trong những năm gần đây, khi thấy giá tăng, có lợi nhuận thì nông dân ồ ạt thả nuôi nhưng đến khi cá lớn thì giá lại giảm rất thấp vì cung vượt cầu, dẫn đến thua lỗ. Vị này cảnh báo có thể có hiện tượng một số doanh nghiệp thấy tình trạng khan hiếm cá tra nên đã nâng giá thu mua lên nhằm kích thích để người nông dân đẩy mạnh nuôi với mục đích hưởng lợi. “Nuôi cá có lãi thì người ta đổ vào nuôi lớn rồi khi giá hạ, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp”, vị này cho hay.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng giá cá tra tăng tạo động lực cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018.
Trang UnderCurrentnews dẫn lời một chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu có thể xảy ra đầu năm nay nhưng trong 6-8 tháng tới thì chưa chắc bởi giá cá tra hấp dẫn người nuôi thả. Sau khoảng thời gian đó, cá sẽ đạt được kích thước mà thị trường EU và Mỹ ưa chuộng. “Sau 6 - 8 tháng giá cá tra sẽ giảm vì nguồn cung được bổ sung”, vị này nhận định.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.