Thận trọng với tôm sú chân đỏ
Đầu năm 2011, tại ĐBSCL rộ lên phong trào nuôi tôm sú chân đỏ. Giống tôm này được bán với giá cao kèm lời giới thiệu “có cánh” về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng, hiệu quả kinh tế... của cơ sở cung cấp. Sự thật giống tôm mới này thế nào?
Một chiêu PR
Tại tỉnh Cà Mau, một số cơ sở, đại lý kinh doanh giống thủy sản đưa ra sản phẩm mới - tôm sú chân đỏ (tôm sú châu Phi) - được quảng bá có chất lượng tốt; nhiều người đã thả nuôi loại tôm giống này, vì tin rằng nó có tỷ lệ sống cao, tăng trọng nhanh hơn loài tôm sú cũ. Tại Tiền Giang, cũng đầu năm 2011 rộ lên phong trào nuôi tôm sú châu Phi, với con giống giá cao hơn giống tôm sú thường khoảng 30 đồng/con.
Ông Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Quản lý nuôi - Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết, Chi cục cùng các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra một số cơ sở nuôi, thấy con giống tôm sú chân đỏ được bán với giá cao hơn bình thường. Tại các hộ nuôi tôm sú chân đỏ, chỉ có một số ít tôm xuất hiện chân đỏ và những cá thể này không có đặc điểm gì vượt trội tôm sú bình thường (về tốc độ tăng trưởng, kích cỡ, tỷ lệ sống, khả năng thích ứng môi trường…).
Theo đó, tôm sú chân đỏ chỉ là một loại đột biến trong quá trình nhân giống chứ không phải loài tôm mới có chất lượng tốt; việc người dân ồ ạt thả nuôi đã đẩy giá tôm giống lên cao. Cơ quan chức năng các địa phương đã nhiều lần thông báo cho người dân về sự xuất hiện của loại tôm mới này và khuyến cáo không nên kỳ vọng quá nhiều vào loại giống này.
Cần thận trọng hơn
Nếu không có sự hướng dẫn kịp thời của các ngành chức năng thì người dân sẽ lúng túng trong việc chọn con giống nuôi trồng; cùng đó là vấn đề dịch bệnh từ các đối tượng mới này du nhập vào càng khó kiểm soát hơn.
Cả nước hiện có rất nhiều trung tâm và trại sản xuất tôm giống, nhưng việc kiểm soát nhập nguyên liệu và sản xuất cung ứng ra thị trường còn lỏng lẻo. Đây là cơ hội để một số cơ sở, đại lý kinh doanh giống thủy sản đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Theo ông Võ Hồng Ngoãn, một người nuôi tôm có tiếng tại Bạc Liêu, một số địa phương thả nuôi loại tôm sú chân đỏ có cho kết quả khả quan, nhưng chưa ổn định; kiểm dịch chất lượng vẫn là vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Để nuôi tôm có hiệu quả, bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất, vấn đề lựa chọn con giống hết sức quan trọng. Người nuôi cần chọn con giống tại những cơ sở tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, đảm bảo chất lượng. Không chạy theo thị trường, thả nuôi những giống mới mà chưa được kiểm soát chất lượng. Đồng thời, các ngành chức năng, Sở NN&PTNT, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản các tỉnh cần thường xuyên giám sát, kiểm tra các cơ sở đại lý kinh doanh giống, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người nuôi về phòng chống dịch bệnh, cải tạo điều kiện nuôi trồng.
Ông Trưởng phòng Quản lý nuôi – Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau có lý khi khuyến cáo người nuôi: Cần cảnh giác trước những thông tin không đáng tin cậy về chất lượng sản phẩm, để có sự lựa chọn phù hợp, tránh “tiền mất tật mang”; cần chọn tôm giống chất lượng tốt để thả nuôi (mua tôm giống ở những cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng); tốt nhất là chọn mua tôm giống đã qua kiểm tra chất lượng của ngành chức năng.
>> Theo các nhà chuyên môn, tôm sú chỉ có một loại với tên khoa học là Penaeus monodon. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh giống tôm sú khác, có chăng chỉ là sự khác biệt về nguồn gốc tôm bố mẹ.