Thăng trầm cá rô đầu vuông - Lối mở nào cho cá rô đầu vuông ?
Một điều không thể phủ nhận là cá rô đầu vuông từng là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hậu Giang và giúp không ít nông dân phất lên làm giàu. Nhưng vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà không còn giữ được vị thế của mình. Ngành chức năng và người nuôi cá mong muốn chính là trả lại nguyên vẹn những giá trị mà cá rô đầu vuông đã mất.
Người nuôi cần gỡ khó
Do chịu thua lỗ nhiều vụ nuôi liên tiếp, nên phần lớn người nuôi cá rô đầu vuông trong tỉnh đều lâm vào cảnh nợ nần với số tiền không nhỏ. Và trong tình cảnh khó khăn hiện nay thì họ dường như không còn khả năng chi trả, nhiều hộ hết vốn để thả nuôi, nảy sinh tâm lý chán nản, không muốn gắn bó với cá rô đầu vuông. “Hiện nay, các hộ nuôi cá mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ như: giảm lãi suất ngân hàng, tiếp tục cho vay mới để có nguồn vốn tiếp tục bám trụ với nghề cũng như chuyển sang loài thủy sản khác” - bà Huỳnh Thị Thu Hà, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ chia sẻ.
Còn nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Nhân, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn là muốn ngành chức năng có biện pháp quản lý giá cả thị trường, làm sao giữ mức giá thu mua không thấp hơn giá thành sản xuất. Đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cá để tránh thả nuôi theo phong trào, rất dễ xảy ra tình trạng “đụng hàng, dội chợ”. Ngoài ra, do yếu tố nguồn nước bị nhiễm bẩn, nên gần đây cá bị bệnh khá nhiều, rất cần cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật cũng như biện pháp xử lý môi trường nuôi tốt hơn.
Theo ông Lý Hiệp, chủ trang trại thủy sản Phú Lợi 1, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng giống như các loại thủy sản khác là cá tra, cá điêu hồng,… thì cá rô đầu vuông cũng không tránh khỏi quy luật rớt giá khi thị trường “thừa”. Tuy nhiên, mức độ thua lỗ ở mỗi loài thủy sản là khác nhau.
Vấn đề gây khó khăn nhất cho người nuôi hiện nay là giá thức ăn ngày một tăng cao nên dù có muốn gắn bó với loài cá này thì tâm lý người nuôi ít nhiều cũng ngán ngại. Vì vậy, chỉ khi nào giá thức ăn bình ổn thì người nuôi mới dám đầu tư vào loại cá này. Cũng là một trong những người nuôi và thu mua cá trong vùng bỏ mối ở các tỉnh ĐBSCL, ông Hiệp hy vọng ngành chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn, cũng như đầu ra cho sản phẩm để người nuôi tiếp tục bám trụ với cá rô đầu vuông.
Thả nuôi theo quy hoạch
Theo bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, người nuôi cá rô đầu vuông đang gặp khó khăn do giá cá liên tục giảm nên chỉ có những người nuôi khéo thì huề vốn, thậm chí có lúc còn bị thua lỗ. Vì sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước nên phải tính toán kỹ cung - cầu để tránh tình trạng “thừa” xảy ra như thời gian qua. Hiện nay, đầu ra của cá rô đầu vuông khá bấp bênh, cộng thêm dịch bệnh tăng cao nên bà con cần nuôi với mật độ vừa phải, đồng thời xử lý ao trước khi thả cá nhằm tránh rủi ro trong quá trình nuôi.
Một trong những biện pháp mà ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho là rất cần thiết để giải quyết tình trạng cung vượt cầu đã và đang xảy ra ở cá rô đầu vuông là phải nuôi theo quy hoạch. Ông Giao cho rằng, hiện nay, phong trào nuôi cá rô đầu vuông không chỉ có ở Hậu Giang mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khác dẫn đến tổng sản lượng bán ra thị trường rất lớn, khiến giá cá xuống mức thấp. Để hạn chế bất cập về giá cá thì nông dân cần thả nuôi theo đúng quy hoạch mà ngành chức năng đã đề ra.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã hoàn thành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cá rô đầu vuông Hậu Giang, nhằm giúp sản phẩm này dễ dàng lưu thông trên thị trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi cá rô đầu vuông và chỉ có những vùng thuận lợi về nguồn nước, điều kiện tự nhiên thích hợp, nông dân có kinh nghiệm thì mới thả nuôi. Trong quá trình nuôi phải gắn chặt với nhu cầu thị trường, để không rơi vào cảnh thua lỗ.
Ông Đinh Minh Trường, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện nay diện tích thả nuôi cá rô đầu vuông giảm đáng kể. Nếu như năm 2010, diện tích cao nhất là 393ha, thì đến nay chỉ còn 196ha. Để giúp người dân bám trụ với con cá rô đầu vuông, thời gian qua ngành đã liên hệ với ngân hàng hỗ trợ trong việc vay vốn cho người dân.
Đến thời điểm này, lượng cá rô đầu vuông tới lứa thu hoạch trên địa bàn tỉnh còn không nhiều, sản lượng cá thành phẩm xuất bán ít nên tới đây giá cá sẽ cải thiện. Dù chỉ tiêu thụ nội địa, nhưng trong thời gian tới ngành sẽ cố gắng quảng bá hình ảnh về loài cá có xuất xứ từ Hậu Giang đến các tỉnh, thành khác thông qua các kỳ hội chợ để tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, để loài cá này vươn xa thì người nuôi cần có ý thức trong sử dụng thuốc và hóa chất khi nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Có như vậy, con cá rô đầu vuông mới có thể quay về vị thế ngày nào của nó…
Giá cá diễn biến thất thường theo hướng bất lợi cho người nuôi là do nhiều yếu tố. Nhưng để làm “sống” lại giá cá thì cần có thời gian và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành hữu quan và nông dân. Trong đó, cần thực hiện quyết liệt việc thả nuôi theo diện tích đã được quy hoạch sẵn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về vốn, kỹ thuật… để họ có thể vực dậy sau bao nỗi thăng trầm cùng cá rô đầu vuông…