Thăng trầm con cá bổi Cà Mau
Không chỉ đối mặt với hàng loạt khó khăn về thời tiết, giá thành sản phẩm, giá thức ăn, thời gian qua, nông dân nuôi cá bổi huyện Trần Văn Thời còn có nỗi lo không hề nhỏ – đó là áp lực cạnh tranh trên thị trường với cá bổi ở các tỉnh, thành vùng trên.
Mỗi khi nghe tin việc thu mua cá bổi ở TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp vẫn nhộn nhịp sau Tết, mặc dù đây không còn là thời gian cao điểm buôn bán cá khô bổi, trong lòng ông Tư Nghị (Chát Văn Nghị, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) lại càng thêm lo. Ông Tư Nghị trăn trở: “Liệu giá cá thương phẩm năm nay có khả quan hơn năm rồi và làm thế nào để cá bổi quê mình tìm lại được chỗ đứng ngay trên vùng đất Cà Mau”.
Lao đao vì giá
Nỗi lo của ông Tư Nghị cũng là nỗi lo chung của hàng trăm hộ nuôi cá bổi ở huyện Trần Văn Thời. Theo lời tâm sự của ông Ba Đức (Lê Minh Đức, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời), trải qua hơn mười mấy năm gắn bó với nghề nuôi cá bổi, vui có, buồn có nhưng chưa có lúc nào ông thấy nghề nuôi cá bổi gặp khó khăn như vậy.
Vụ nuôi năm 2016, nông dân huyện Trần Văn Thời gặp khó vì giá cá bổi thương phẩm thấp.
Nếu cách đây khoảng chục năm, khi diện tích nuôi cá bổi chưa lên tới con số vài trăm hecta như bây giờ, cá bổi thương phẩm được giá; còn vài năm trở lại đây, giá thành ngày càng giảm. Năm 2016 là năm giá cá bổi thương phẩm thấp nhất. Thời điểm đầu vụ đối với loại 8 con/kg được hơn 50.000 đồng thì đến cuối vụ, từ đầu tháng 11 âm lịch giá rớt xuống chỉ còn 29.000-30.000 đồng/kg. Và hiện nay, giá cá bổi thương phẩm vẫn có chưa có chiều hướng khả quan.
Giá thấp, vì vậy, 7 ao nuôi cá bổi (với diện tích 17.000 m2), đạt trọng lượng bình quân 8 con/kg của ông Ba Đức vẫn chưa thể thu hoạch, phải cầm cự chờ giá. Bởi lẽ, với tình hình giá cá thương phẩm như thế này, thu hoạch đồng nghĩa với cầm chắc lỗ vốn.
Ông Ba Đức nhẩm tính, nếu thu hoạch thì mỗi ký cá lỗ ít nhất 10.000 đồng. Trong khi đó, sản lượng ước tính cũng từ 10 tấn trở lên thì con số thiệt hại mà ông phải gánh chịu không hề nhỏ.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh Hồ Văn Sông (bìa phải, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) vẫn chuẩn bị tiếp tục vụ nuôi năm nay.
Không có điều kiện để chờ giá như ông Ba Đức nên anh Hồ Văn Sông (Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) phải thu hoạch ao nuôi cá bổi với diện tích 1.000 m2, mặc dù biết chắc chắn sẽ không đủ bù chi phí sản xuất. Anh Sông cho biết: “Thời điểm thu hoạch, cá loại 8 con/kg mà chỉ còn 25.000 đồng. Giá quá thấp, sản lượng lại không đạt nên lỗ vốn 15 triệu đồng”.
Nói về hiệu quả kinh tế của vụ nuôi cá bổi năm 2016, ông Tư Nghị khẳng định: “Khoảng 90% hộ nuôi lỗ vốn, chỉ có số ít là lời hoặc huề thôi, nhưng cũng lời ít lắm”.
Ông Tư Nghị là một trong ít hộ may mắn có lời sau vụ cá bổi năm vừa qua. Vẻ mặt buồn rầu, ông Tư Nghị bộc bạch: “Vụ nuôi năm rồi gặp rất nhiều khó khăn. Thời tiết không mấy thuận lợi, hạn hán kéo dài, làm cho cá chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi, chi phí sản xuất không ngừng “leo thang”, đến khi thu hoạch lại gặp cảnh rớt giá. Nhờ sản lượng đạt khá, cá loại lớn, cộng thêm chịu khó kiếm thêm ốc bươu vàng làm thức ăn cho cá, vì vậy, mỗi tấn cá còn lợi được 5 triệu đồng”.
Có lời lãi nhưng ông Tư Nghị chẳng mấy vui. Bỡi lẽ, gần cả năm trời cực khổ mà thu về không được bao nhiêu. Đó là chưa tính đến tiền lãi vay vốn ngân hàng phải trả để đầu tư nuôi cá.
Giá cá bổi thương phẩm giảm khoảng 50% so với trước đây, nhưng giá thức ăn lại tăng. Mặc dù mức tăng không cao nhưng ít nhiều cũng làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất.
Anh Huỳnh Minh Đương (Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Hầu hết các loại thức ăn đều tăng nhẹ. Bình quân mỗi bao thức ăn (25 kg) tăng 35.000 đồng”.
Ông Ba Đức cho biết: “Cá bổi ở các tỉnh, thành vùng trên thấp hơn cá bổi vùng này từ 3.000-4.000 đồng/kg. Chính vì giá cá quá thấp nên các cơ sở chế biến cá khô bổi không đăng ký thương hiệu chủ yếu thu mua cá vùng trên để có được đồng lời cao hơn. Điều đó làm cho giá cá bổi ở vùng mình bị rớt giá”.
Cần liên kết để giữ thương hiệu
Khi trả lời câu hỏi nếu giá cá bổi thương phẩm chưa có chiều hướng khả quan thì họ có tiếp tục gắn bó với nghề, những lão nông như ông Ba Đức, ông Tư Nghị vẫn khẳng định: “Nghề nuôi cá bổi không chỉ đơn thuần là nghề kiếm sống của gia đình mà còn là niềm đam mê, gắn bó. Bởi vậy, dù khó khăn cỡ nào cũng quyết không từ bỏ nghề”.
Ông Ba Đức tâm sự, cũng nhờ nghề nuôi cá bổi công nghiệp mà ông thoát hẳn cảnh bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống, sang thêm đất, nhà cửa đàng hoàng, con cái được học hành tử tế.
Khởi nghiệp từ con cá bổi, đối mặt với nhiều cái không: không biết kỹ thuật chăm sóc, không kinh nghiệm, không có ai để học hỏi, nhưng cuối cùng ông Ba Đức vẫn thành công và được mọi người trong nghề nuôi cá bổi nhiều nơi nể phục. Vì vậy, những khó khăn hiện tại không làm chùn bước ý chí của lão nông đã ngoài 50 tuổi.
Ông Ba Đức tâm sự: “Đa số mặt bằng kiến thức, kỹ thuật nuôi cá bổi của nông dân vùng mình còn ít nhiều hạn chế, đặc biệt là việc nắm vững các loại bệnh của cá và cách điều trị. Vì vậy, nông dân chúng tôi rất cần các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho nông dân”.
Còn đối với ông Tư Nghị, trước những khó khăn của việc nuôi cá bổi hiện nay, ông cũng đã có tính toán.
"Để cá bổi vùng mình có sức cạnh tranh với cá bổi ở các tỉnh, thành khác thì cần sản xuất tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh mà nông dân vẫn có lợi nhuận. Muốn vậy, trong quá trình nuôi nên nuôi mật độ thưa, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, sử dụng loại thức ăn ít đạm, để giảm tối đa chi phí sản xuất", ông Tư Nghị chiêm nghiệm.
Mong muốn của nhiều nông dân nuôi cá bổi hiện nay là các cơ sở sản xuất cá khô bổi ở địa phương và người nuôi cá bổi cần có sự liên kết với nhau trong sản xuất.
Anh Sông lý giải, cá khô bổi U Minh đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đó là lợi ích lớn nhưng nhiều cơ sở sản xuất cá khô bổi ở địa phương vẫn không quan tâm việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thu mua cá bổi ở các tỉnh, thành khác. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất cá khô bổi có đăng ký nhãn hiệu mà còn gây ảnh hưởng đến người nuôi cá.
Ông Tư Nghị cho biết thêm: “Nếu hợp tác thì hai bên sẽ cùng có lợi. Cơ sở sản xuất cá khô có được nguồn nguyên liệu sản xuất chủ động ngay tại chỗ, vừa bảo hộ được nhãn hiệu của mình còn nông dân cũng có được lợi, vì không còn phải lao đao cạnh tranh với cá bổi vùng trên như bây giờ”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với UBND thị trấn Trần Văn Thời thí điểm xây dựng mô hình liên kết. Đó là xây dựng cho bằng được hợp tác xã nhằm liên kết nông dân, cán bộ kỹ thuật, các cơ sở sản xuất cá khô bổi có đăng ký nhãn hiệu cũng như với cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú ý thuỷ sản để nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành và giảm cả chi phí sản xuất cho nông dân. Nếu thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà”, nông dân nuôi cá bổi sẽ tháo gỡ khó khăn và thương hiệu cá khô bổi được giữ vững. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu chung này, huyện cũng cần sự vào cuộc của các ngành liên quan của tỉnh để tìm được đầu ra ổn định cho nhãn hiệu cá khô bổi U Minh.
Đến cuối năm 2016, huyện Trần Văn Thời có 217 ha nuôi cá bổi thương phẩm, trong đó tập trung nhiều ở: Trần Hợi (78 ha), thị trấn Trần Văn Thời (45,5 ha), Khánh Hưng (29 ha), Khánh Bình (16 ha), Khánh Bình Tây (14 ha)...