TIN THỦY SẢN

Thăng trầm nghề nuôi bống tượng

Nguyễn Việt

Nhiều năm qua, với tình trạng nuôi cá ồ ạt tự phát, dẫn đến hậu quả cung vượt cầu, người nuôi cá bị thương lái ép giá, khiến số phận con cá bống tượng đặc sản vẫn bấp bênh. Việc cần làm là chính quyền phải giúp các hộ nuôi nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Bỏ nuôi cá, chạy xe ôm

Hỏi thăm đường về Tân Thành, cô nhân viên khách sạn nói chỉ độ vài cây số, tính từ trung tâm Tp. Cà Mau. Nhưng anh xe ôm tên là Minh thì lắc đầu: “Đó là phường Tân Thành, còn anh muốn tìm các hộ nuôi cá bống tượng thì phải về xã Tân Thành, cỡ mười mấy cây số lận. Trước đây khu này chung một xã, sau mới tách thành hai”.

Con đường bê tông nhỏ dẫn về xã Tân Thành vòng vèo qua những cánh đồng ngập nước, những xóm nhỏ lác đác khói bếp quyện với sương chiều trên vòm lá sẫm và cả những bụi rậm lau lách lòa xòa hai bên đường. Minh kể, vùng này trước vốn chuyên canh trồng lúa, quãng chục năm trước bắt đầu chuyển đổi sang nuôi cá bống tượng. Ban đầu một số hộ lẻ tẻ nuôi quy mô nhỏ, sau dần dà nhà nhà nuôi theo, đỉnh điểm lên tới cả trên ngàn hộ, rồi thành lập hợp tác xã Đồng Tiến chuyên nuôi loài cá này.

“Nhiều người thành tỷ phú nhờ con bống tượng, nhưng cũng vì nó mà không ít nhà khuynh gia bại sản, trắng tay đó anh. Nhà em trước cũng làm mấy hầm (ao), lúc đầu được lắm, giá bán có lúc lên tới 550.000 đ/kg, nhưng rồi giá rớt thê thảm, nay chỉ còn hơn 200.000 đ/kg, phải bỏ” – Minh lắc đầu ngán ngẩm. Anh vốn là ngư dân gốc Bình Sơn, Quảng Ngãi, lênh đênh thả lưới ngoài khơi, đến khi xuống sức mới “vào bờ” thử nghiệp nuôi bống tượng ở vùng đất tận cùng phương Nam này, cuối cùng tự kết luận là “chạy xe ôm khỏe hơn, đắp đổi cũng nuôi được vợ với 3 đứa nhỏ”.

Tôi thắc mắc vì tại các thành phố lớn, bống tượng vẫn là đặc sản được “hét” giá cao ngất trong các nhà hàng. Một con cá bống tượng sốt xí muội hoặc cuốn mỡ chài bỏ lò, thậm chí chỉ nướng muối ớt, thực khách cũng phải trả 5 - 7 trăm ngàn là thường. Sao ở đây lại thế?

Minh lại lắc đầu: “Thương lái ép giá anh ạ, họ nói XK sang Trung Quốc, Đài Loan gì đó, nên phải theo giá thị trường quốc tế, thực chất giá cả thế nào do họ hết. Không bán cho họ cũng không xong, vì mình không tự bán được. Với lại chẳng hiểu mấy anh thành phố thấy sao, chớ dân quê không hảo món này, chỉ biết nấu cháo với kho khô, mà thấy mùi vị cũng thường, giá lại mắc nên không mấy ai ăn”.

Anh đưa tôi về nhà thông gia ở Ấp 2, xã Tân Thành, nơi gia đình có mấy ao nhỏ đang nuôi cá bống tượng. Cậu con lớn của chủ nhà tên là Tiến cho biết, mặc dù hiện giá cá giảm mạnh nhưng nhiều hộ nuôi vẫn phải bán tháo để giảm bớt chi phí thức ăn nuôi cá cũng như hạn chế nguy cơ cá nhiễm bệnh. Gia đình muốn chuyển sang nuôi con khác, hoặc làm nghề khác, nhưng vốn liếng “đọng” ở ao cá. Nhiều hộ nuôi bống tượng nhỏ lẻ trong vùng cũng đang phải gắng trụ lại vì không có vốn chuyển đổi ngành nghề, nếu ít lâu nữa giá cá không tăng thì nguy cơ lâm nợ hoặc treo ao là hiện hữu. Chỉ có những hộ nuôi quy mô lớn, trường vốn thì vẫn đang “găm” cá chờ giá lên.

“Như nhà anh Nguyễn bên kia có tới mấy chục ao lớn, anh sang hỏi thì rõ hơn”- Tiến bảo.

Nuôi không khó, vướng đầu ra

Nguyễn sinh năm 1979, có 2 con gái, nhà cũng ở Ấp 2, xã Tân Thành, trông dáng cao ráo, đẹp trai kiểu trí thức, khác hẳn cái “mác” anh tự nhận là “dân miệt vườn chính gốc”. Nguyễn cho biết, người nuôi cá không chỉ phải đối mặt với chuyện giá cá bống tượng giảm mạnh trong khi giá mua con giống, thức ăn tăng cao, mà còn bị thương lái giới hạn trọng lượng cá bống tượng loại 1 chỉ được phép 0,5 – 0,6 kg/con. Nghĩa là cá càng to thì giá càng hạ, rất bất lợi cho người nuôi, vì họ buộc phải bán khi tới “thời điểm” dù giá rẻ.

Nguyễn thủng thẳng: “Bán cá cỡ nửa ký một con còn dễ mất thương hiệu, vì lúc này thịt cá vẫn nhạt. Con lớn nhất ao nhà tôi khoảng 1,8 kg, tầm đó rất ngon, thịt dày trắng như thịt gà, dai và ngọt lắm, nhưng bán thì lỗ vốn… Nếu có đầu ra ổn định và giá cá giữ được như mấy năm trước thì khỏe, vì nuôi giống này cũng không khó, lại được mỗi năm hai lứa”.

Gặp “dân ngoại đạo” chịu chuyện, anh kể tiếp, nuôi cá bống tượng cần nhất là nguồn nước sạch, ao có nước lưu thông tốt thì cá lớn nhanh hơn và mật độ nuôi có thể cao hơn. Ao lớn ao nhỏ đều nuôi được, nhưng tốt nhất khoảng 300-400m2, nước sâu trung bình 1,5-1,8m. Sau khi chọn mua giống tốt, trước hết quây thả vào một góc ao trong 1 – 2 tuần đầu tiên để theo dõi, phân loại cá theo kích cỡ và sức khỏe, thả mỗi ao một đàn trọng lượng đều nhau thì cá sẽ phát triển tốt hơn. Hàng tháng nên kiểm tra và “chuyển chỗ” những con lớn nhanh hoặc chậm vào từng ao khác nhau, như vậy giúp cá lớn nhanh hơn và quanh năm lúc nào cũng có cá bán, hạn chế việc phải bán lúc rớt giá.

Thức ăn cho bống tượng chủ yếu là cá rô phi xắt khúc vừa miệng cá, miễn là phải tươi. Có thể thả nuôi ghép tép, cá sặt bướm, cá bảy màu, làm thức ăn tại chỗ cho cá, vì bống tượng rất khoái rình săn mồi. Loài cá này ưa nằm sát đáy ao, thích rúc vào các hốc, nên dễ bệnh ký sinh trùng làm cá chậm lớn. Có thể dùng thuốc, nhưng để tiết kiệm chi phí, bà con dung bài “thuốc dân gian” khá hiệu quả là lấy lá xoan bó lại treo ở đầu cống nước ra vào…

Theo lời Nguyễn, mấy năm trước, khi bống tượng còn cao giá, chi phí cho giống và thức ăn chỉ chiếm hơn 30% doanh thu, nên có thể gọi đây là loài cá giúp người dân nơi đây đổi đời. Còn nay thì khéo lắm cũng chỉ hòa vốn, thậm chí nhiều hộ nuôi chịu lỗ nặng. Được biết, UBND xã Tân Thành cũng đang vận động người dân không nên cải tạo ao thả nuôi bống tượng vụ mới, mà tập trung tìm đầu mối tiêu thụ nội địa, nhưng xem ra bài toán chưa có lời giải thực sự. Nguyễn và nhiều gia đình trong vùng đang chuyển bớt diện tích ao nuôi bống tượng sang nuôi cá chình, vì giống này tiêu thụ trong nước khá mạnh, không phụ thuộc nhiều vào tình trạng xuất khẩu bấp bênh và đỡ bị ép giá.

Tôi ngỏ ý muốn chụp mấy kiểu ảnh “chân dung” bống tượng, nhưng cả Tiến và Nguyễn đều cười: “Bây giờ tối rồi, mà dù có ban ngày thì tụi nó cũng rúc dưới sình mà anh. Giống này lì lắm, cuối vụ tát cạn ao cũng chưa thấy con nào, vì nó lặn sâu vào đáy bùn, anh có mò đụng phải nó cũng nằm im như khúc gỗ, lúc quăng lên bạt mới chịu giãy”...
Minh ghé tai tôi thì thầm: “Tụi nó kiêng kỵ đó anh, sợ con cá đang nuôi mà chụp hình dễ bị “chột lớn” sinh bệnh. Gặp lúc tát đìa bắt cá thì anh chụp tha hồ”.

Cần trả lại “ngôi vị” cho cá bống tượng

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, cá bống tượng được người dân nuôi nhiều trong ao, đìa, ruộng ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình và Tp. Cà Mau. Lúc cao điểm, khu vực nuôi bống tượng tập trung nhiều nhất là xã Tân Thành, Tp. Cà Mau với 1.745 hộ nuôi. Cá bống tượng từng là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, các hộ nuôi ở đây chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có sự liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, thiếu sự đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước, thiếu thông tin thị trường, sản phẩm bị tư thương ép giá.

Hơn 4 năm trước, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ phát triển làng nghề nuôi cá bống tượng ở xã Tân Thành. Phương án đưa ra rất nhiều giải pháp như: khảo sát hiện trạng các điều kiện sản xuất của hộ nuôi cá bống tượng; quy hoạch đầu tư phát triển thủy lợi; chuyển giao khoa học kỹ thuật; giải pháp về vốn, giống, cung ứng vật tư, thức ăn, về môi trường và tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác và hợp tác xã, nhanh chóng hình thành hệ thống tổ chức kinh tế hợp tác và các hoạt động dịch vụ…

Không phủ nhận là một phần các kế hoạch đó đã thành hiện thực, Tân Thành đã có các tổ hợp tác và Hợp tác xã Đồng Tiến nuôi cá bống tượng và cá chình… Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có những động thái tích cực hơn nữa thì mới có thể giúp nghề nuôi bống tượng ở Cà Mau vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu không có các giải pháp căn cơ và lâu dài, thì những kỳ vọng về nghề nuôi bống tượng một thời chưa xa, như “thu hút lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nghề nghiệp ổn định, nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương”… sẽ vẫn là những mục tiêu xa…

Khi tôi về Tp. Hồ Chí Minh, anh bạn cũ làm bên báo Giao thông kéo về nhà ăn cơm. “Lang thang hàng quán mãi rồi, về nhà xem bà huyện (anh chàng nịnh vợ này thích thăng vượt cấp cho bà xã) nhà tớ trổ tài nhé, hôm nay cho ông mở rộng tầm mắt với món cá bống tượng hấp nấm rơm. Theo Đông y, món này có tác dụng kiện tỳ ích khí, hòa vị, bổ can thận, cường kiện cân cốt, hành huyết mạch, tiêu tích trệ…”

Nghe anh quảng cáo thật hấp dẫn, chợt thoáng chút ngậm ngùi. Chẳng lẽ một loài cá đặc sản như vậy mà cứ “long đong” mãi…

Nguyễn Việt Vietfish.org, 02/12/2013