Thanh Trì: Tiếp tục nâng cao ý thức người nuôi thủy sản
Huyện Thanh Trì (Hà Nội) nằm trong vùng trũng có nhiều ao, hồ, đầm phá, rất thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản; đầu ra khá thuận lợi. Xác định được như vậy nên người dân ở đây luôn nâng cao ý thức trong nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi được thiên nhiên ưu đãi này.
Uy tín quý hơn vàng
Vùng nuôi trồng thủy sản Thanh Trì tập trung ở xã Đông Mỹ (trên 120ha), tiếp đến là Ngũ Hiệp, Đại Áng, Tứ Hiệp, Tam Hiệp,… Đông Mỹ được quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản từ năm 2001, chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống, một số hộ nuôi tôm càng xanh. Năm 2009, đã thành lập HTX thủy sản (nay là HTX Nuôi trồng thủy sản Đông Mỹ) đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con, cung cấp thức ăn, tập huấn kỹ thuật, xử lý môi trường...
Chăn nuôi thủy sản quan trọng nhất là nguồn nước, trước đây bà con Đông Mỹ thường lấy nước sông Hồng để nuôi tôm, cá. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nước sông Hồng cạn, vì vậy phải dùng từ nhiều nguồn như: nước sông Tô Lịch, giếng khoan, nước mưa tích trữ tại các kênh mương, ao, đầm. Hiện, nguồn nước sông Tô Lịch không đảm bảo nên bà con phải xử lý qua nhiều công đoạn như: dẫn nước vào các mương máng nội đồng để lắng cặn, đồng thời thả bèo tây, bèo sen lọc chất thải độc. Sau đó cho vào ao ngâm, cuối cùng mới sang ao nuôi. Trước khi thả tôm, cá, phải thử độ pH và khử khuẩn bằng các chế phẩm sinh học; một số khác sử dụng nước giếng khoan.
Ông Hoàng Văn Liên ở thôn 1B, Đông Mỹ, cho biết, ông có 4,5ha mặt nước, tham gia nuôi trồng thủy sản từ năm 2001, năm 2007 được cấp giấy chứng nhận trang trại; chủ yếu nuôi cá truyền thống 2 vụ/năm. Với năng suất 25 tấn/vụ, giá bình quân 27 triệu đồng/tấn, ông lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm. Thức ăn cho cá gồm: ngô xay lên men bằng chế phẩm sinh học trộn lẫn cám công nghiệp. Theo ông Liên, nuôi cá truyền thống không khó lắm, chỉ lo nhất là thời tiết nắng nóng hoặc rét kéo dài cá sẽ chết. Ông Nguyễn Duy Hưởng, thôn 3, cũng cho biết, ông nuôi cá truyền thống 16 năm nay, từ 2,2ha ao nuôi của gia đình, thu lãi ròng 180-200 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (Ngũ Hiệp) có trên 8ha ao đầm, chủ yếu nuôi cá đặc sản và cá truyền thống. Cũng như các hộ ở Đông Mỹ, ông xử lý nguồn nước bằng nhiều loại thảo dược quý hiếm có trong vùng; thả bèo tây, rau muống. Ngâm ao 15 -20 ngày, kiểm tra độ pH rồi mới chuyển nước sang ao nuôi. Tuy nhiên, bí quyết thành công của ông là: dùng cám gạo, ngô để nuôi cá, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp, thuốc kháng sinh. Chủ động phòng chống bệnh cho cá là chính và mật độ nuôi vừa phải.
Ngoài các hộ nuôi cá kể trên, ở Thanh Trì còn duy nhất 1 hộ nuôi tôm càng xanh. Ông Nguyễn Duy Nam ở thôn 1, Đông Mỹ, cho biết, ông đã có thâm niên nuôi loại tôm này trên 15 năm. Năm 2015, ông thu được gần 1 tấn tôm càng xanh, bỏ túi 250 triệu đồng. Ngoài tôm, mỗi năm ông còn thu 160 triệu đồng từ nuôi cá truyền thống. Hai năm trở lại đây, sau khi được học qua các lớp nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, ông chuyển sang dùng hoàn toàn bằng nước giếng khoan (5 giếng/1,7ha ao nuôi). Ông Nam đã đem mẫu nước đi xét nghiệm ở Cục Hóa chất Hà Nội, với kết luận: đạt tiêu chuẩn, tương đương nước máy Phần Lan. Hiện, tôm của ông đã được Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì kết hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) kết luận không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trách nhiệm nhà quản lý
Được biết, Thanh Trì hiện có 769ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 90,2ha/38 hộ đạt tiêu chí trang trại; 235ha nuôi tập trung; 1 cơ sở ương nuôi cá giống tại Đông Mỹ.
Về cơ cấu đàn cá, có 755ha nuôi cá truyền thống; 14ha nuôi các loại thủy đặc sản như: cá chẽm, cá nheo, ba ba, ếch, ốc nhồi…Trong đó, có 25,3% (trên 170ha) diện tích nuôi thâm canh, chuyên canh cá rô phi cho năng suất 10-12 tấn/ha, cao hơn phương pháp nuôi ghép từ 5 -7 tấn/ha/năm, tập trung tại các xã Tứ Hiệp, Đông Mỹ, Đại Áng, Tam Hiệp… Sản lượng thủy sản bình quân đạt 3.845 tấn/năm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, cho biết: “Chúng tôi có may mắn là ý thức của người nuôi trồng thủy sản rất tốt, trong nhiều năm qua chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Về trách nhiệm của nhà quản lý, hàng năm huyện đều phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội tổ chức tốt các lớp tập huấn cho bà con; thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu nước đánh giá chất lượng môi trường tại các vùng nuôi; hướng dẫn quy trình chăm sóc; xử lý phòng chống dịch bệnh, quản lý môi trường ao nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, còn phối hợp với đài truyền thanh huyện/xã tuyên truyền kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; tình hình dịch bệnh; biện pháp chống nóng, rét cho vật nuôi, thủy sản; các biện pháp xử lý nước trước khi đưa vào ao”.
Bà Tuyết Anh cho biết thêm, hiện nay, việc cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do sự ô nhiễm của các con sông chảy qua địa bàn. Hầu hết các địa phương (trừ xã Đông Mỹ) chưa có hệ thống cung cấp nước dành riêng cho các vùng nuôi trồng thủy sản.
Để phát triển bền vững nguồn thủy sản nước ngọt, thời gian tới, Thanh Trì sẽ hỗ trợ bà con đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đưa năng suất vùng nuôi thủy sản tập trung lên 11-13 tấn/ha, tăng 1-2 tấn/ha so năm 2015. Đặc biệt, hỗ trợ đưa một số mô hình nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (dự kiến thực hiện tại Đông Mỹ 7hộ/7,2ha). Đẩy nhanh các dự án nông nghiệp, trong đó có dự án cung cấp nước đảm bảo cho vùng nuôi trồng thủy sản.