TIN THỦY SẢN

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp

Thu hoạch tôm chân trắng ở xã An Điền (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp

Ngày 30-1-2013, Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2012, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn năm 2013. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Đến nay, Ban Chỉ đạo đã chọn 27 xã trong tỉnh, trong đó có 18 xã nuôi tôm biển và 9 xã nuôi cá tra, để thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Tuy nhiên, việc mở rộng địa bàn còn liên quan đến việc cấp kinh phí từ ngân sách. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chưa nên mở rộng địa bàn đối với 3 xã: Thạnh Trị (Bình Đại), An Thủy và Bảo Thuận (Ba Tri). Vì vậy, địa bàn hiện đang thực hiện thí điểm BHNN là 24 xã (15 xã nuôi tôm biển, 9 xã nuôi cá tra). Công ty Bảo Minh Bến Tre đã tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm cho 111 người (trưởng, phó ban quản lý vùng nuôi thủy sản và các cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh thức ăn, con giống thủy sản) làm kênh phân phối BHNN.

Về kết quả triển khai BHNN năm 2012, đối với tôm, có 1.261 hộ, với 1.756 hợp đồng BH, trong đó diện nghèo là 93 hộ; diện cận nghèo 13 hộ; không thuộc diện nghèo và cận nghèo là 1.155 hộ. Diện tích tham gia BH là 501ha trên tổng số 2.845ha, với tổng giá trị BH là 295,646 tỷ đồng; tổng phí BH là 21,938 tỷ đồng. Về BH cá tra, đến nay, đã có 2 hợp đồng (hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo), tổng giá trị BH là 18,19 tỷ đồng, tổng phí BH là 694 triệu đồng. Công tác bồi thường BHNN đối với tôm, tính đến ngày 15-1-2013, tổng số hồ sơ đã giải quyết bồi thường: 762/1.549 hồ sơ, với tổng số tiền 26,338 tỷ đồng. Trong đó, huyện Bình Đại có 526/994 hồ sơ, với số tiền 17,427 tỷ đồng; Ba Tri: 201/483 hồ sơ, với số tiền là 6,923 tỷ đồng; Thạnh Phú: 35/72 hồ sơ, với số tiền là 1,988 tỷ đồng. Có 4 hộ bị từ chối bồi thường (3 hộ ở Bình Đại và 1 hộ ở Ba Tri). Đối với cá tra, hiện đang giải quyết bồi thường cho 1 trường hợp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện thí điểm BHNN còn gặp một số khó khăn. Mặc dù Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo các sở, Công ty Bảo Minh Bến Tre và chính quyền địa phương phối hợp, nhưng công tác triển khai chưa được chặt chẽ, tiến độ thực hiện giải quyết bồi thường còn chậm. Nhân sự trong các đơn vị thực hiện công tác thẩm định điều kiện, xác định loại dịch bệnh còn thiếu. Ngoài ra, qui tắc, biểu phí BH tôm ban hành theo Quyết định 3035/2011 của Bộ Tài chính chưa phù hợp với thực tế, do bảng tỷ lệ thiệt hại bồi thường tôm thẻ chân trắng từ dưới 49 ngày tuổi có tỷ lệ bồi thường thấp, trong khi đó tôm nuôi từ 50-69 ngày tuổi, người nuôi có thể hoàn vốn hoặc có lời ít nhưng lại được bồi thường tỷ lệ cao (54 - 64%). Có người tham gia BH dựa vào điểm này, tìm cách kéo dài thời gian tôm nuôi đã nhiễm bệnh và chết để được bồi thường theo tỷ lệ cao hơn, gây khó khăn trong công tác xác định thiệt hại và có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các hộ xung quanh. Hiện trong tỉnh chỉ xét nghiệm được 4 loại bệnh: đốm trắng, Taura, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, đục cơ do vi-rút, gây khó khăn trong công tác giải quyết bồi thường. Đối với BH tôm sú, tỷ lệ bồi thường còn thấp, chưa thu hút người dân tham gia. Chương trình thí điểm BHNN đối với cá tra gặp khó khăn, không hiệu quả do đối tượng nuôi hầu hết là doanh nghiệp, mức hỗ trợ của Nhà nước là 20%, còn lại tự đóng 80% phí BH, làm tăng chi phí đầu tư sản xuất, cộng thêm giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức thấp, dẫn đến doanh nghiệp có nguy cơ lỗ cao.

Để thực hiện BHNN năm 2013 hiệu quả, Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh qui tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BH tôm, cá, bằng cách tăng tỷ lệ bồi thường BH đối với tôm chân trắng ở giai đoạn 11-49 ngày nuôi và giảm tỷ lệ bồi thường BH ở giai đoạn 50-80 ngày tuổi và tăng 4-6% mỗi khung ngày nuôi ở tôm sú. Đồng thời, cần xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể, xây dựng qui trình giám sát, thẩm định bồi thường phù hợp, mạnh dạn từ chối các hợp đồng không đủ điều kiện tham gia.

baodongkhoi.com.vn