TIN THỦY SẢN

Thay đổi tư duy nuôi cá điêu hồng

Lồng bè nuôi cá điêu hồng Ecuador ở Mỹ Hòa Hưng Bài, ảnh: THÚY LIÊN

Qua trình diễn nuôi cá điêu hồng Ecuador trong lồng bè tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên) cho thấy, cá có sức tăng trưởng tốt, ít hao hụt, hình thức đẹp, hệ số chuyển hóa thức ăn tốt hơn bình thường, giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi. Mô hình này mở ra triển vọng lớn cho cá điêu hồng – loài cá nước ngọt được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Tiềm năng chưa được đánh thức

Ở An Giang có nhiều hình thức nuôi cá điêu hồng thương phẩm như nuôi trong ao, vèo, lồng bè… Thức ăn cho cá điêu hồng chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi có độ đạm từ 20 – 30%, năng suất nuôi đạt cao (từ 40 – 50kg/m3). Do đặc thù nguồn nước sông trên địa bàn tỉnh phù hợp cho cá điều hồng phát triển nên những năm gần đây, nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè phát triển khá nhanh.

Cá điêu hồng được biết đến là loài cá nước ngọt có phẩm chất thịt thơm, ngon, được Châu Âu và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới ưa chuộng như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... An Giang cũng được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển nghề cá điêu hồng rất lớn do điều kiện nuôi phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian dài, người sản xuất giống chỉ chú trọng vào lợi nhuận, mà không chú trọng chất lượng đàn cá bố mẹ. Trong khi đó, đàn cá bố mẹ đang có dấu hiệu bị thoái hóa, thể hiện ở tỷ lệ sống của cá giống và cá thương phẩm thấp, bệnh xuất hiện nhiều hơn trong quá trình ương nuôi, dẫn đến chi phí đầu tư con giống lớn, làm giảm hiệu quả kinh tế của người nuôi cá điêu hồng.

Vừa qua, Trạm Khuyến nông TP. Long xuyên đã thực hiện mô hình trình diễn nuôi cá điêu hồng Ecuador trong lồng bè tại xã Mỹ Hòa Hưng. Kết quả thực hiện cho thấy, cá điêu hồng có sức tăng trưởng tốt, màu sắc đồng nhất, không dị hình, sức kháng bệnh cao, sinh sản tốt. Trong quá trình nuôi, cá đạt tỷ lệ sống 73,12%, cao hơn so với tỷ lệ 70% khi sử dụng con giống truyền thống. Đối với cá điêu hồng nguồn gốc Ecuador, hệ số chuyển hoá thức ăn đạt tốt (1.51 so với 1.7 nếu sử dụng con giống truyền thống). Cùng thời gian nuôi, trọng lượng trung bình khi thu hoạch của cá điêu hồng Ecuador đạt 600 gram/con, trong khi cá bình thường đạt 550 gram/con. Sau 5 tháng thả nuôi, ngư dân tham gia mô hình trình diễn nuôi cá điêu hồng Ecuador thu lợi nhuận từ 6 - 10 triệu đồng/bè, cao hơn nuôi cá điêu hồng sử dụng con giống truyền thống.

Cần nhiều hỗ trợ

Qua thực hiện mô hình trình diễn, giống cá điêu hồng có nguồn gốc Ecuador được những hộ nuôi cá lồng bè ở Mỹ Hòa Hưng đánh giá cao. Bà con cho rằng, cá điêu hồng Ecuador là đối tượng dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp và phù hợp với điều kiện môi trường địa phương. Cá điêu hồng là đối tượng nuôi sử dụng được thức ăn công nghiệp nên người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn trong suốt quá trình nuôi, tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, bà con vẫn còn băn khoăn về nguồn cung cấp con giống. Theo phản ánh của nhiều người nuôi, khi bà con tìm mua con giống tại Trung tâm Giống thủy sản An Giang thì con giống đạt kích cỡ quá nhỏ, không thể đem về thả nuôi liền được, mà phải ương lên khiến nông dân còn e ngại nuôi. Để mô hình phát triển bền vững, bà con đề nghị trung tâm cần nâng kích cỡ con giống lên, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi nguồn giống mới có chất lượng hơn, tránh rủi ro khi mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc bên ngoài.

Trong bối cảnh nhiều hộ nuôi cá điêu hồng nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung dễ bị thua lỗ do chất lượng con giống thấp, dễ nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao thì mô hình nuôi cá điêu hồng Ecuador trong lồng bè được coi là hướng đi mới. Qua nuôi trình diễn, mô hình mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, khuyến khích nông dân mạnh dạn sử dụng con giống có nguồn gốc mới để phục vụ cho các vụ nuôi sắp tới, đồng thời tận dụng được các lồng bè trống tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ. Bên cạnh hỗ trợ về con giống đạt chuẩn, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nông dân trong tiêu thụ cá điêu hồng, tiến tới xây dựng thương hiệu và xuất khẩu cá ra thị trường thế giới, nâng cao giá trị của loài cá tiềm năng này.

Khi ứng dụng công nghệ cao vào một số đối tượng thủy sản, như: Nuôi lươn mật độ cao sử dụng giá thể là vĩ tre, nuôi cá điêu hồng nguồn gốc Ecuador… năng suất đạt cao hơn, sản phẩm sạch, chất lượng cũng tốt hơn, hiệu quả tăng gấp 3-5 lần so với công nghệ đang ứng dụng. Hướng đi này cần nhân rộng nhằm tăng tính cạnh tranh của thủy sản An Giang trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: THÚY LIÊN Báo An Giang, 08/04/2016