Thế mạnh thành... thế yếu - Vỡ mộng cá nước lạnh
Cách đây chưa đến 10 năm, tỉnh Lâm Đồng xác định cá nước lạnh sẽ là bước đột phá kinh tế của tỉnh, nhưng nay không ít doanh nghiệp nuôi cá lặng lẽ bỏ cuộc vì sản xuất không có lãi.
Những năm 2006 - 2007 là thời điểm hoàng kim của nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Lúc đó trên địa bàn có 22 doanh nghiệp (DN) đầu tư nuôi cá hồi vân và cá tầm Nga, diện tích hồ nuôi tăng nhanh qua từng năm. Với lợi thế về nhiệt độ, môi trường thiên nhiên hơn hẳn những địa phương khác để phát triển nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nuôi cá nước lạnh của Đông Nam Á.
Theo quy hoạch khi đó của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2015 diện tích cá nước lạnh của tỉnh đạt 75 ha, với sản lượng 1.500 tấn cá thương phẩm (trong đó cá tầm 1.000 tấn, cá hồi 500 tấn); đến năm 2020 diện tích mặt hồ tăng gấp đôi và sản lượng cá nước lạnh tăng lên 3.000 tấn. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 2014, sản lượng cá nước lạnh cả tỉnh chỉ đạt gần 450 tấn.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30 đơn vị đăng ký nuôi cá nước lạnh, nhưng chỉ có 13 DN sản xuất mang tính chuyên nghiệp. Gần đây, nhiều DN nuôi cá nước lạnh bị thất bại do nhiều nguyên nhân. Về phía các DN, do cách quản lý hoặc không nắm vững kỹ thuật nuôi cá nên thất bại.
Một chủ trang trại cá tầm ở xã Đa Nhim, H.Lạc Dương, cho biết nguồn nước lạnh tại vùng Đa Nhim, Long Lanh (Lạc Dương) không còn trong lành như những năm đầu, bởi có thời điểm các DN đua nhau mở rộng diện tích một cách thiếu khoa học làm ảnh hưởng chung đến nguồn nước, ảnh hưởng đến tăng trọng của cá và chi phí chăm sóc, phòng bệnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Toản, chủ trang trại nuôi cá tầm Trường Toàn (xã Lát, H.Lạc Dương), nêu vấn đề về sức ép từ cá Trung Quốc. Có nhiều thời điểm, cá nước lạnh cùng chủng loại của Trung Quốc được nhập về VN ồ ạt với giá thấp hơn giá thành sản xuất trong nước, khiến cho nhiều DN điêu đứng. Trước đây, giá cá thương phẩm trong nước từ 210.000 - 220.000 đồng/kg, nay hạ xuống chỉ còn 170.000 - 180.000 đồng/kg.
Điều đáng lo hơn là cá Trung Quốc nhưng khi bán ra thị trường bị mạo danh là cá tầm, cá hồi Đà Lạt. Trong khi chất lượng cá Trung Quốc không thể sánh bằng cá Đà Lạt. Cá tầm Đà Lạt nuôi từ 12 - 15 tháng mới đạt 2 kg/con và cho thu hoạch, còn cá Trung Quốc do có chất kích thích tăng trưởng nên chỉ 9 tháng cho thu hoạch, nên cá bở và nhạt. Theo ông Toản, nếu các thương lái chỉ vì lợi nhuận, không chấm dứt tình trạng mạo danh cá Đà Lạt thì người tiêu dùng và cả nhà sản xuất cá trong nước phải gánh chịu thiệt thòi.
Nhìn nhận số DN nuôi cá nước lạnh đang trên đà giảm sút, tuy nhiên trao đổi với Thanh Niên, người đứng đầu Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho rằng những DN nào chú tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con giống tốt thì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế do nhu cầu tiêu thụ cá tầm ngày càng tăng.