Thị trường hải sản Thủ đô: Chợ đìu hiu, kênh phân phối uy tín đắt khách
Trước thông tin hải sản tại vùng biển miền Trung bị chết thời gian qua, không ít người dân Thủ đô đã lo lắng, quay lưng lại với mặt hàng này. Tuy nhiên, trước nhu cầu của cuộc sống, người dân bắt đầu tìm đến những kênh phân phối hải sản an toàn, tin tưởng để mua.
Chợ vắng vẻ... vì khó phân biệt chất lượng
Trong tâm lý còn e dè về việc tiêu thụ hải sản, người tiêu dùng Thủ đô còn lo ngại về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại mặt hàng hải sản như tôm, cua, cá… đang được bày bán tại các khu chợ. Tại Hà Nội, dạo qua một số khu chợ như chợ Thanh Xuân, chợ đầu mối phía Nam, chợ Phùng Khoang trong khung "giờ vàng" từ 7-9 giờ sáng, phóng viên đã cảm nhận được không khí vắng vẻ, thưa thớt tại các sạp bán hải sản tươi sống. Mặc dù lượng người đi mua bán tại các khu chợ này khá sôi động nhưng quanh các gian hàng bán đồ hải sản không khí vắng lặng hơn. Chị Trần Thị Vui, chủ một sạp hàng bán đồ hải sản tại Chợ Phùng Khoang than thở: “Đã nhiều ngày nay, người đến mua hàng thì ít mà hỏi han thì nhiều. Tôi lo lắm, cứ sáng dọn hàng ra, tối dọn hàng vào thôi”. Cùng chung suy nghĩ với chị Vui, nhiều tiểu thương khác trong chợ Phùng Khoang cũng tỏ ra lo lắng vì các mặt hàng cá, mực, tôm, cua bỗng nhiên chẳng mấy ai ngó tới. Ai nấy đều lo lắng vì từ lâu nay, cả gia đình các tiểu thương này trông chờ vào thu nhập từ những con tôm, con cá nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có một điểm chung giữa các khu chợ này khiến người tiêu dùng vốn đang e ngại, lại càng thêm “thờ ơ” với đồ hải sản là bởi hầu hết các đồ hải sản được bày bán ở đây, dù là tươi sống hay đồ đông lạnh đều thiếu những giấy tờ chứng nhận về chất lượng, an toàn. Tất cả đều được gói gọn trong những lời chào mời kiểu như “hàng đảm bảo chất lượng em nhé” hay “em mua đi, chị lấy từ nguồn sạch nên cứ yên tâm”. Nhưng cụ thể, nguồn cung cấp hải sản sạch ở đây là nguồn nào an toàn hay không thì người bán không có gì chứng minh. Vì vậy, họ chỉ có thể trả lời qua loa, đại khái như: Nhập từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đảm bảo từ vùng biển Nam Định, Thanh Hóa trở ra Bắc, nhập từ nhà cung cấp uy tín... Trong bối cảnh mà nhiều người tiêu dùng đang “nghi ngại" trong việc quyết định có chọn mua đồ hải sản, đáng lẽ ra những tiểu thương, những người bán hàng cần phải hiểu rõ về mặt hàng của mình hơn ai hết, phải nắm bắt được những thông tin cần thiết để giải thích cho người mua hàng, đem lại lòng tin và hơn cả là cứu lấy chính nghề nghiệp của họ.
Chị Thanh Tâm (Nam Từ Liêm) cho biết: “Nhiều khi tôi muốn mua đồ hải sản tươi sống mà ra chợ chẳng biết cửa hàng nào uy tín, đảm bảo nên đành chấp nhận mua đồ đông lạnh ở trong siêu thị”. Đồng tình với quan điểm này, không ít người cho rằng, họ ngại mua đồ hải sản tươi sống không phải vì “đánh đồng” rằng tất cả các loại hải sản đều không đảm bảo, mà vì họ không thể phân biệt nổi ở ngoài chợ, đâu là hải sản sạch, đâu là không!
Thực tế là giá cả của các mặt hàng hải sản được bày bán ở các khu chợ nội thành đang ở mức thấp, chẳng hạn như mực ống có mức giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, bề bề dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, tôm sú có giá 170.000 – 190.000 đồng/kg nhưng vẫn rất ế ẩm. Giá giảm, lượng người mua ít, không ít tiểu thương trong chợ bày tỏ, cứ trôi qua thêm một ngày là họ lại có thêm những sự lo lắng, xót xa.
Kênh hải sản “sạch, có nguồn gốc” được chú ý
Trong khi lượng hải sản tiêu thụ ở các khu chợ giảm sút đáng kể, thì những mặt hàng hải sản có nguồn gốc rõ ràng tại các chuỗi thực phẩm sạch hay siêu thị đã được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại siêu thị Big C, Vinmart các mặt hàng hải sản đông lạnh đều được đóng gói bao bì, nhãn mác đầy đủ, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng đã bắt đầu để ý tới các chuỗi cửa hàng cung cấp hải sản sạch. Điều đặc biệt là mặc dù những chuỗi cửa hàng như vậy có diện tích khá nhỏ và khiêm tốn nhưng mặt hàng ở đây, cụ thể là hải sản đông lạnh luôn có tem nhãn, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm. Theo người đại diện của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Cleverfood, bên cạnh việc mặt hàng hải sản đông lạnh có giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ rõ ràng thì đối với mặt hàng hải sản tươi sống, đơn vị này cũng chứng minh được xuất xứ của sản phẩm và giải thích được một quy trình vận chuyển khá chuyên nghiệp. Bởi lẽ hải sản vận chuyển xa, nhất là qua đường hàng không thì đây là vấn đề sống còn. Phương thức là cho đá vào thùng nước biển để nước lạnh như đá, sau đó thả tôm, ghẹ vào tầm vài phút. Chúng sẽ sốc hay là chết lâm sàng. Sau đó cho tôm, ghẹ ra một túi cho vào thùng rồi bơm oxy vận chuyển ra Hà Nội. Sau khi ra Hà Nội, lấy nước muối sục oxy tôm, ghẹ lại bơi tung tăng. Còn đối với cua, ốc thì quy trình đơn giản hơn, nhưng luôn đảm bảo rằng đồ hải sản đảm bảo chất lượng.
Một số vụ vận chuyển hải sản chết đông lạnh trong thời gian gần đây:
- Ngày 1-5, Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và đội QLTT số 17 đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy 3 tấn cá không rõ nguồn gốc đang trong quá trình phân hủy được chở từ Huế ra khu vực phía Bắc để tiêu thụ.
- Ngày 30-4, Đội CSGT Diễn Châu (Trạm CSGT 5-1 - thuộc Phòng CSGT Công an Nghệ An) cho biết đơn vị này đã bắt giữ một xe ô tô tải chở 6,5 tấn cá, mực các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi đang được tài xế đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Cũng trong ngày hôm đó, tổ công tác Trạm CSGT 5-1 lại tiếp tục phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải BKS 27C-043.55 chở theo 5 tấn cá, mực, hải sản các loại bốc mùi ôi thiu, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và đem đi tiêu hủy.