TIN THỦY SẢN

Thị trường tôm cảnh báo và giải pháp phát triển năm 2025

Thị trường cảnh báo hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm Sáu Nghệ

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN&MT vừa cho biết những cảnh báo cùng yêu cầu của thị trường xuất khẩu tôm hiện nay, từ đó đặt ra các giải pháp để phát triển trong năm 2025.

Thị trường cảnh báo hóa chất, kháng sinh

Trong 3 năm gần đây, từ năm 2022-2024, tôm xuất khẩu của nước ta bị các thị trường cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh chiếm tỷ lệ còn cao. Cụ thể, năm 2022, tổng số lô hàng bị cảnh báo là 15; trong đó cảnh báo hóa chất, kháng sinh là 3, chiếm 20%. Năm 2023, tổng số lô hàng bị cảnh báo là 30; cảnh báo hóa chất, kháng sinh là 22, chiếm 73,3%. Năm 2024, tổng số lô hàng bị cảnh báo là 27; cảnh báo hóa chất, kháng sinh là 15, chiếm 55,6%.

Về thị trường, cảnh báo từ Trung Quốc, Nhật, EU là cao. 

Trong lúc, tổng số cơ sở chế biến tôm xuất khẩu 2 năm qua ổn định, nếu như năm 2022 là 374 cơ sở thì năm 2023 và 2024 đều có 421 cơ sở. Số cơ sở chế biến tôm xuất khẩu vào các thị trường chính trong 2 năm qua cũng ổn định, thị trường Trung Quốc là 413, Hàn Quốc 397, EU 293, Nga 28.

Một số yêu cầu của thị trường 

Thị trường Trung Quốc yêu cầu quản lý phụ gia, hóa chất đối với tôm xuất khẩu: Cả hàng khô, đông lạnh, sống.

Thị trường EU yêu cầu kiểm soát và đăng ký các cơ sở tham gia chuỗi xuất khẩu: Cơ sở trên đất liền, bao gồm sơ chế, kho lạnh phải đăng ký vào danh sách EU công nhận.

Thị trường Mỹ yêu cầu chứng nhận xuất xứ tôm nhập khẩu.

Thị trường Nhật Bản kiểm tra chỉ tiêu Enrofloxacin, Doxycycline đối với lô hàng tôm. 

Thị trường Úc yêu cầu chứng nhận tôm xuất khẩu sạch bệnh: Tôm nguyên con đông lạnh chỉ được nhập khẩu từ quốc gia được công nhận sạch 10 loại bệnh tôm.

Bên cạnh, các rào cản mới cần chuẩn bị khi xuất khẩu tôm: Phát thải carbon, bảo vệ động thực vật, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu tôm cũng sẽ tăng cường thanh tra tại nước xuất khẩu theo thỏa thuận song phương, đa phương và có xu hướng tăng giám sát bệnh song song an toàn thực phẩm.

Thị trường Úc yêu cầu chứng nhận tôm xuất khẩu sạch bệnh

Giải pháp phát triển thị trường năm 2025

Trong công tác quản lý, cơ quan chức năng ở trung ương sẽ triển khai chương trình giám sát dư lượng; Theo dõi, kịp thời xử lý các lô hàng bị cảnh báo; Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Đồng thời, cập nhật, phổ biến quy định của thị trường; Xử lý, tháo gỡ rào cản của các thị trường; Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Tích cực làm việc với các đoàn thanh tra của nước nhập khẩu.

Một số hoạt động phát triển thị trường: Diễn đàn giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam tại Hội chợ Vietshrimp cuối tháng 3/2025 ở Cần Thơ; Hội thảo về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị thủy sản (tôm, cá tra, rong biển,…) tại Triển lãm Quốc tế thủy sản năm 2025. Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản các tỉnh biên giới với Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

Các địa phương chú trọng triển khai chương trình giám sát dư lượng trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ sử dụng hóa chất, kháng sinh và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến được phân cấp và kiểm soát tạp chất trong tôm theo qui định.

Các doanh nghiệp và cơ sở nuôi tôm thực hiện tốt quản lý an toàn thực phẩm theo HACCP; Thiết lập chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu thị trường; Liên kết nuôi trồng, đảm bảo chất lượng. Đầu tư công nghệ, sản phẩm mới. Khai báo xuất xứ tôm xuất khẩu vào Mỹ theo DS2031. Chú trọng kiểm soát sử dụng hóa chất, phụ gia; Kiểm soát tạp chất trong tôm theo các quy định hiện hành.

Sáu Nghệ