TIN THỦY SẢN

Thiếu nguồn nguyên liệu - làng nghề chế biến hải sản gặp khó

Các cơ sở giảm số lượng thu mua và chế biến do giá nguyên liệu tăng cao. Sa Oanh/VOV - ĐBSCL

Dịp Tết năm nay, làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long trầm lắng, hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ.

Hàng năm vào những ngày giáp tết, các làng nghề chế biến cá khô của tỉnh Trà Vinh rất nhộn nhịp, nhà nhà tất bật phơi khô, đóng gói, chuyển hàng đến nơi tiêu thụ. Thế nhưng năm nay, làng nghề trầm lắng vì nguồn nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ.

Chị Nguyễn Thị Đây ở Khóm 1, Thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang cho biết, hơn 10năm nay, cơ sở chế biến cá khô của chị lúc nào cũng có nhân công từ 5 - 6 người làm việc. Trong thời điểm giáp tết, nhân công thường tăng lên từ 6 - 10 người, đôi lúc còn làm không hết việc.

Tuy nhiên, bước vào mùa gió Chướng năm nay, nguồn nguyên liệu từ biển rất khan hiếm, trong khi các loại khô phục vụ tết như cá lóc, cá kèo, sặc rằn… giá quá cao nên không giám đầu tư mua nhiều sợ bị lỗ.

“Giáp tết năm nay gia đình làm ít vì không có nguyên liệu, hoặc có thì giá nguyên liệu cũng quá cao. Còn các loại sản phẩm phục vụ tết như các kèo, cá lò tho, cá ló giá cũng quá cao, chế biến không có lãi nên gia đình cũng không dám làm, phải có người đặt hàng mới làm, không làm ồ ạt sẽ rất dễ bị lỗ”, chị Đây chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cao đã buộc các cơ sở giảm số lượng thu mua và chế biến. Nếu như trước đây vào thời điểm này, mỗi cơ sở của làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long trung bình làm từ 500 - 800kg cá khô các loại, hiên nay chỉ còn mỗi cơ sở chỉ làm 100 – 200kg. Theo đó, không chỉ thu nhập của cơ sở bị giảm mà cả người lao động cũng chỉ còn 2 – 2,5 triệu đồng/tháng thay vì từ 3 - 5 triệu đồng vào mùa tết trước đây.

Chị Đỗ Thị Kim Oanh, người có hơn 20 năm sống bằng nghề làm thuê đánh vẩy cá khô cho biết, mùa gió Chướng nhiều tàu thuyền khó đánh bắt gây nên khan hiếm nguồn nguyên liệu nên nhiều khi nhân công thiếu việc làm. Tuy vậy, đã gắn bó với công việc này từ nhiều năm nên chị cũng không thể bỏ được công việc này.

Làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long đã tồn tại cách đây hơn 40 năm, với lợi thế về ngư trường rộng lớn cộng với lực lượng đánh bắt gần 90 chiếc tàu lớn nhỏ. Tuy nhiên những năm gần đây, bến cá của làng nghề này đã bị bồi lắng nghiêm trọng, các tàu cá lớn không vào được. Cách đây 5 năm, tỉnh có chủ xây dựng Khu tránh trú bão kết hợp cảng cá Vàm Lầu, cách làng nghề hơn 2km nhưng khởi động xong rồi để đó.


Khu tránh trú bão kết hợp cảng cá Vàm Lầu khởi động từ 2 năm nay giờ vẫn nguyên trạng.

Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, các cơ sở chế biến cá khô Mỹ Long phải mua từ nơi rất xa, chi phí vận chuyển đội lên, trong khi chất lượng cũng như số lượng lại không đảm bảo. Năm 2015, Làng nghề có 206 cơ sở sản xuất với trên 500 hộ tham gia, thế nhưng mùa tết năm nay chỉ còn hơn trăm cơ sở sản xuất theo kiểu cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Đàn, chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang cho biết, để làng nghề được duy trì được việc làm và tiếp tục phát triển, cấp trên cần sớm hoàn thành khu neo đậu Vàm Lầu.

“Tại thị trấn Mỹ Long không có cảng cá, chủ yếu nghe cập bến ở cảng Láng Chim hoặc Long Hữu, huyện Duyên Hải do đó chi phí vận chuyển của các cơ sở chế biến rất tốn kém. Thị trấn cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ ngư dân và các hộ sản xuất giải quyết vay vốn để bà con phát triển làng nghề”, ông Đàn đề xuất.

Để Làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long tiếp tục duy trì, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Có như thế mới đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại để làng nghề tiếp tục phát triển./.

Sa Oanh/VOV - ĐBSCL VOV, 13/02/2016