Thiếu vốn, bí đầu ra
Với mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, TP Hà Nội quy hoạch xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên hạ tầng kỹ thuật các vùng NTTS thiếu đồng bộ, trong khi đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Khó nhiều bề...
Tháng 2-2013, TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, có 13 dự án xây dựng vùng NTTS tập trung được triển khai thực hiện tại 10 huyện với diện tích 2.400ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 dự án NTTS tập trung ở các xã Trung Tú, Đồng Tân (Ứng Hòa) và xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín) đang triển khai, còn lại các dự án “đắp chiếu” do thiếu vốn đầu tư.
Chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều địa phương có thế mạnh NTTS đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Đơn cử huyện Ba Vì, trên cơ sở quy hoạch của thành phố đã lập dự án xây dựng vùng NTTS tập trung tại 5 xã (Cổ Đô, Phú Đông, Phong Vân, Vạn Thắng và Phú Cường) với quy mô 350ha. Các dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" vì thiếu vốn. Giám đốc HTX Thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông Chu Văn Hồng cho biết, toàn bộ đường giao thông vùng NTTS của xã là đường đất nên đến mùa mưa là lầy lội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển thức ăn, đem cá thương phẩm đi tiêu thụ. Hệ thống kênh mương, thủy lợi trong vùng NTTS của HTX cũng chưa được đầu tư khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi lấy nước để nuôi cá.
Hiện, các vùng NTTS đã được ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếc là, một số công trình phục vụ NTTS lại được đầu tư thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như vùng NTTS tập trung xã Trung Tú (Ứng Hòa), nhờ nguồn lực thành phố hỗ trợ, đến nay, toàn bộ trục đường giao thông chính trong khu NTTS 232ha đã đào đắp, xây dựng. Còn lại các tuyến đường giao thông nhánh và một số công trình phụ trợ trong vùng NTTS thì vẫn dở dang do chưa huy động được đóng góp của người dân. Ông Lê Văn Đạt hộ NTTS xã Trung Tú cho rằng, trung bình mỗi hộ phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để làm đường giao thông là số tiền quá lớn so với khả năng của người dân địa phương.
Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân mà đầu ra cho sản phẩm thủy sản đang gặp không ít khó khăn, còn giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao. Ông Nguyễn Văn Liệu, hộ nuôi cá sạch ở xã Vạn Thắng (Ba Vì) cho biết, sản phẩm cá của xã Vạn Thắng được người tiêu dùng đánh giá cao, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu cá an toàn nên người dân vẫn tự sản tự tiêu, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào mùa vụ và thường bị thương lái ép giá. Còn tại các huyện Ứng Hòa, Thường Tín, thủy sản đến kỳ thu hoạch, song thương lái thu mua chậm khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.
Hướng đến sản xuất bền vững
Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (Ba Vì) Phùng Văn Điền cho biết, việc quy hoạch vùng NTTS tập trung có ý nghĩa quan trọng tạo ra năng suất cao, an toàn thực phẩm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo thuận lợi cho các dịch vụ đi kèm như giống, thức ăn, thuốc hóa chất, tiêu thụ sản phẩm và liên kết giữa các hộ. Thực tế, NTTS đã mang lại thu nhập khá cho một bộ phận không nhỏ người dân xã Vạn Thắng. Để phát triển ổn định, ông Phùng Văn Điền kiến nghị, thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường giao thông, thủy lợi, nhà lạnh bảo quản sản phẩm để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; đồng thời xây dựng các mô hình nuôi năng suất cao và mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho người dân về kỹ thuật NTTS bảo đảm an toàn thực phẩm…
Thực tế cho thấy, trên cùng diện tích canh tác thì đầu tư cho NTTS hiện nay đang có hiệu quả cao hơn so với một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp. Không ít địa phương NTTS có thu nhập khá, nhiều hộ giàu lên. Do vậy, các ngân hàng từ trung ương xuống địa phương nên xem xét tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn ưu đãi dài hạn, trung hạn, để phát triển NTTS. Các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, siêu thị, tìm đầu ra ổn định sản phẩm; hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu cá an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm...