TIN THỦY SẢN

Thiếu vùng nguyên liệu, DN thủy sản thiệt thòi

Nguồn nguyên liệu thủy sản hiện nay chưa đáp ứng đủ cho DN xuất khẩu. Ảnh: Minh Đông QUANG HUY

Hợp đồng ngày càng nhiều, giá mua cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại đang thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Xuất khẩu hơn 6 tỉ USD/năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản lại không có vùng nguyên liệu. Ngay như ngành cá tra, cá basa đã có khoảng 70% số lượng DN có đầu tư vùng nuôi cá nhưng số DN chủ động đủ nguyên liệu xuất khẩu chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

“Mất bò vì… không đủ sức làm chuồng”

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết hiện nay con cá, con tôm Việt Nam đang hút khách quốc tế. Nhiều nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ đang chào mua với những hợp đồng số lượng lớn, giá cao với DN Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là DN nước ta lại không dám ký hợp đồng vì không có đủ hàng để bán. “Ngay cả những “ông lớn” hiện nay có đầu tư vùng nguyên liệu cũng chỉ cung cấp được 10% sản lượng cho xuất khẩu. Ngay chính DN của tôi nhu cầu một năm là 10.000 tấn tôm xuất khẩu nhưng chỉ có vùng nuôi thu hoạch vẻn vẹn 1.000 tấn.” - ông Lĩnh chia sẻ.

“Vua” tôm Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cũng cho biết nông dân nuôi tôm gặp trăm ngàn khó khăn mới thu hoạch được con tôm khỏe mạnh bán cho DN. Nào chi phí đầu tư vốn, đào ao, con giống, thức ăn rủi mà gặp dịch bệnh thì trắng tay. Còn khó khăn triền miên là giá bấp bênh xuống nhiều hơn lên có khi được mùa vẫn lỗ. Chẳng có DN xuất khẩu nào chịu đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết hỗ trợ cho nông dân, lợi thì hưởng, thua lỗ chia đều. Khi thương lái Trung Quốc vào tranh mua hết nguyên liệu giá cao thì mới tiếc. Chứ trách nông dân, kêu ca thì làm được gì.

Tuy nhiên, DN thủy sản lại đưa ra lý do không đủ sức để xây dựng vùng nguyên liệu. Đại diện một DN tôm tiết lộ ngành tôm rất khó làm vùng nguyên liệu so với con cá vì thiếu diện tích đất. Đầu tư 1 ha tôm chỉ thu hoạch được 5-7 tấn trong khi 1 ha cá thu hoạch 100 tấn. Vì vậy, muốn đầu tư vùng nguyên liệu tôm có đủ sản lượng cho xuất khẩu cần diện tích ao nuôi rất lớn. Bên cạnh đó là các vấn đề về vốn, 1 ha tôm cũng ngốn hết 400 triệu đồng tiền giống, thức ăn, tiền nuôi… và có khi lên đến 2-3 tỉ đồng nếu tính cả chi phí xây dựng nhà máy.

“Cánh đồng mẫu lớn” cho thủy sản

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho biết: “Hầu hết DN cá tra đều thiếu nguyên liệu xuất khẩu nhưng DN Gò Đàng vẫn xuất khẩu bình thường thậm chí thuận lợi. Đơn giản do DN có vùng nguyên liệu 160 ha cung cấp đủ 90% sản lượng chế biến xuất khẩu. DN xuất khẩu phải liên kết với nhà máy thức ăn chăn nuôi, thậm chí tự đầu tư, chủ động vốn, hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho nông dân. DN sẽ ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân, như vậy thì DN mới luôn ở thế chủ động ổn định sản xuất, kiểm soát được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, tăng giá trị xuất khẩu bền vững.”

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một mình DN tự xây dựng vùng nuôi, liên kết nông dân thì cũng chưa chắc đạt được kết quả. Thủy sản cần liên kết nhiều thành phần như kiểu liên kết chuỗi sản xuất cung ứng nâng cao giá trị xuất khẩu như ngành gạo có nông dân, DN thức ăn, giống, DN xuất khẩu, nhà khoa học, Nhà nước. Thủy sản phải quy hoạch những “cánh đồng mẫu lớn” cho con tôm, con cá.

“Tuy nhiên, muốn hiệu quả thực tế thì cần có chính sách quản lý chung từ Nhà nước, từ bộ/ngành. Khi đó ngân hàng sẽ không e dè khi cho vay DN ngành thủy sản, nông dân sẽ được hỗ trợ vốn, giữ uy tín bán nguyên liệu cho DN… Có chính sách Nhà nước mới quy hoạch được vùng nguyên liệu, mới huy động được các thành phần liên kết, thì ngân hàng mới nhào vô hỗ trợ” - ông Lĩnh phân tích.

Cần thương hiệu cho thủy sản Việt Nam

Cùng 1 ha diện tích nuôi tôm nhưng tỉ lệ nuôi thành công về chất lượng không bị dịch bệnh ở Thái Lan là 60%-70% nhưng ở Việt Nam chỉ 30%. Họ nuôi ít, diện tích ít nhưng giá trị cao, có thương hiệu. Trong khi Việt Nam xuất khẩu số lượng nhiều nhưng giá trị lại thấp, thường xuyên bị ép giá vì đơn giản phải đóng bao bì của nhà nhập khẩu mới bán ra thị trường được. Chính là không có thương hiệu! Hãy học Tập đoàn CP (Thái Lan) bán con cá tra (vốn là độc quyền của Việt Nam) tại thị trường nước họ. CP đã quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các màn hình LCD quảng cáo nơi công cộng về hình ảnh con cá tra Việt Nam, chất lượng dinh dưỡng, các món ăn để chế biến ngon như thế nào cho người tiêu dùng.

                                                                                                                    Ông TRẦN VĂN LĨNH, Phó Chủ tịch VASEP

QUANG HUY Báo Pháp luật TP.HCM, 7/10/2013