Thới Bình: Sẵn sàng cho mùa vụ mới
Năm 2012, hầu hết các hộ nuôi tôm sú theo phương pháp truyền thống, quảng canh cải tiến ở Thới Bình gặp nhiều thuận lợi. Tôm phát triển nhanh, không có dấu hiệu dịch bệnh, nhiều hộ thu hoạch năng suất cao, được giá.
Nông dân xã Tân Lộc Đông thu hoạch tôm.
Những ngày này, ở các xã vùng giáp ranh các huyện U Minh, An Minh (tỉnh Kiên Giang) và huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), không khí sản xuất vụ mùa rất sôi động. Gia đình nào cũng chuẩn bị điều kiện nuôi tôm, phương pháp chăm sóc khá kỹ càng và khoa học, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Nhộn nhịp vụ mùa
Anh Lê Minh Toàn, xã Biển Bạch Đông, phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, nhưng nhờ cải tạo đúng quy trình kỹ thuật và chọn con giống tốt, nên tôm trên đất lúa mùa này lớn nhanh, phát triển tốt, không phát hiện bệnh. Hơn nữa, giá tôm nguyên liệu năm nay khá cao (từ 180.000-195.000 đồng/kg loại 30 con/kg, 230.000-250.000 đồng/kg loại 20 con/kg).
Gia đình tôi vừa thu hoạch hơn 40 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí con giống, cải tạo ao đầm, dầu bơm nước, còn lãi hơn 35 triệu đồng”. Nhiều hộ dân đất rộng, mật thả tôm với mật độ từ 3-5 con/m2, thu lãi gần 100 triệu đồng/ha/vụ.
Chị Nguyễn Thị Ánh, hộ có thâm niên trong nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến ở xã Biển Bạch Đông, chia sẻ, thông qua sách báo và các cuộc chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến do cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện chuyển giao, nhiều năm thực hiện mô hình này, gia đình chị thu hoạch đạt lãi khá cao.
Vụ tôm này khá thuận lợi, tôm lớn nhanh và đang phát triển tốt, với mật độ thả nuôi chỉ 3 con/m2, nên không tốn nhiều chi phí cho việc xử lý nước và thức ăn tồn đọng trong quá trình nuôi. Chị chỉ băn khoăn một điều, nhiều năm qua các mặt hàng lúa, tôm do nông dân sản xuất ra luôn chịu cảnh được mùa mất giá, người nông dân luôn bị thiệt thòi.
Trưởng Phòng NN&PTNT và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Lê Bình Nguyên cho biết, toàn huyện có hơn 25.000 ha lúa tôm và gần 20.000 ha chuyên tôm. Đến thời điểm này, nông dân trong huyện hoàn thành việc thả tôm nuôi đầu vụ.
Riêng vùng đất chuyên tôm và các hộ dân gieo cấy lúa sớm, thả tôm nuôi kịp thời vụ đã thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 0,27 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, ngành chức năng huyện khuyến cáo người nuôi tôm nên chọn con giống chất lượng, đồng thời tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi đã được tập huấn.
Sản xuất còn thiếu tính hợp tác
Nuôi trồng thủy sản của Thới Bình chủ yếu là nuôi tôm sú theo phương pháp truyền thống, nên thu nhập của người dân không cao. Chỉ có những hộ có hàng chục ha đất nuôi tôm mới cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến chỉ khoảng 110 ha, nuôi công nghiệp 26 ha, chiếm khoảng 0,03% so tổng diện tích nuôi tôm trong toàn huyện. Nguyên nhân do chi phí cao, nhiều người nuôi thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nước ô nhiễm, tính hợp tác sản xuất trong dân chưa cao.
Chuyện nuôi tôm ở huyện Thới Bình hiện nay chủ yếu là “mạnh ai nấy nuôi”, không tiến hành đồng loạt. Vì thế, khi tôm nuôi bị nhiễm bệnh ở một hộ thì dễ dàng lây lan sang các hộ xung quanh và tạo thành dịch lớn.
Hơn nữa, nguồn tôm giống chủ yếu mua từ các tỉnh, huyện lân cận, người có vốn bắt tôm hàng thùng, chất lượng cao, qua kiểm dịch; hộ không tiền thì thả tôm từ 25 - 35 đồng/con, thả nhiều, tôm có chết cũng có lãi chút ít.
Từ thực tế trên cho thấy, để phát triển nghề nuôi thủy sản, góp phần nâng cao đời sống người dân, Thới Bình cần tăng cường hơn nữa công tác khuyến ngư, tổ chức cho nông dân học tập trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm sú quảng canh cải tiến tại địa phương.
Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, sử dụng giống chất lượng cao để có những vụ tôm nuôi đạt năng suất và chất lượng cao./.