TIN THỦY SẢN

Thời của tôm thẻ chân trắng

Ao nuôi tôm thẻ. Ảnh: tepbac.com Chương Phượng

Từ một vật nuôi phụ, chỉ sau vài năm, nghề nuôi và xuất khẩu (XK) tôm thẻ chân trắng (TTCT) đã phát triển ngoạn mục. XK TTCT 10 tháng qua tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012 (trong khi XK tôm sú chỉ tăng 3,5%), đưa vật nuôi này lần đầu tiên vượt qua tôm sú về giá trị kim ngạch XK.

Hành trình khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm đang là mặt hàng XK sáng giá nhất trong ngành hàng thủy sản. VASEP dự kiến, kim ngạch XK tôm năm nay đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012. Trong đó, tôm TTCT ngày càng khẳng định vị thế với tỷ trọng chiếm khoảng 48,7% trong tổng giá trị XK tôm. Kim ngạch XK TTCT trong tháng 10 đạt 199,3 triệu USD, tăng 168% so với tháng 10/2012. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch XK TTCT lên tới 1,18 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kim ngạch XK TTCT vượt qua tôm sú.

Sở dĩ TTCT đạt được kết quả tốt như vậy là nhờ nguồn cung tôm trên thị trường thế giới năm 2013 giảm mạnh. Mặt khác, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người dân ở các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… giảm tiêu dùng loại tôm sú giá cao, chuyển sang mua loại tôm giá thấp và cỡ nhỏ; cùng với sự sụt giảm mạnh sản lượng ở Thái Lan - nước sản xuất TTCT lớn nhất thế giới - đã hậu thuẫn cho sản xuất và XK tôm của Việt Nam năm 2013.

Quá trình du nhập TTCT vào nước ta ban đầu khá chật vật. TTCT từng có tên trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện ở Việt Nam theo Thông tư 22/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đầu năm 2000, Việt Nam không cho nuôi TTCT nhưng người dân vẫn lén lút nhập khẩu con giống đưa về nuôi. Năm 2006, ngành thuỷ sản mới cho phép nuôi bổ sung TTCT tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, nhưng vẫn cấm nuôi tại khu vực ĐBSCL. Đến năm 2008, nhận thấy thị trường thế giới có xu hướng tiêu thụ mạnh mặt hàng TTCT của Thái Lan, Trung Quốc… và sản phẩm tôm sú nuôi của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT mới ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN&PTNT cho phép nuôi TTCT tại vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong chiến lược XK tôm của nước ta, tôm sú vẫn luôn được coi là sản phẩm thủy sản chủ lực.

Nhiều lợi thế

Chỉ trong vài năm, diện tích nuôi TTCT ở nước ta phát triển rất nhanh. Năm 2012, chỉ với khoảng 38.000ha nuôi, sản lượng TTCT của Việt Nam đạt khoảng 190.000 tấn, chiếm 38% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, diện tích thả nuôi tôm sú chỉ còn 10%, còn lại là TTCT. Quảng Ninh cũng trở thành “thủ phủ” của TTCT với diện tích nuôi 2.689ha.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, diện tích nuôi tôm tại 22 tỉnh trên cả nước là 628.724ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 581.441ha, TTCT 47.283ha. Tổng sản lượng tôm thu hoạch đến hết tháng 9/2013 là 258.782 tấn, trong đó, TTCT đạt 106.497 tấn, tôm sú 152.313 tấn. Với diện tích nuôi TTCT chỉ bằng 1/13 so với tôm sú, nhưng sản lượng thu hoạch đã gần bằng cho thấy, trên một đơn vị diện tích, năng suất TTCT cao gấp 10 lần so với tôm sú.

Trong khi giá bán tôm sú hầu như không tăng thì giá bán TTCT liên tục được cải thiện. Cách đây 2 năm, giá bán tôm sú thường dao động trong khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), giá TTCT chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg thì hiện nay ở ĐBSCL, TTCT cỡ 100 con/kg có giá 95.000- 99.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 146.000 đồng/kg. Trong khi tôm sú loại 40 con/kg giá 180.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg giá 200.000- 230.000 đồng/kg. Ông Như Văn Cẩn, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sở dĩ diện tích TTCT tăng mạnh là vì trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đe dọa nghề nuôi tôm, TTCT có nhiều lợi thế hơn tôm sú vì thời gian nuôi ngắn (chỉ 2,5 tháng), do đó nông dân vừa có thể giảm được nguy cơ rủi ro bởi dịch bệnh, vừa có thể quay vòng nhanh chóng. Theo tính toán, chi phí sản xuất TTCT chỉ bằng 0,4-0,5 chi phí sản xuất tôm sú.

Cần xiết quy hoạch và quản lý nuôi TTCT

Ông Cẩn cảnh báo, vật nuôi nào cũng vậy, mới đầu hiệu quả, lâu dần sẽ nhiễm bệnh. Khi diện tích nuôi TTCT tăng nhanh, nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm con giống, dịch bệnh bùng phát, thị trường đầu ra mất cân đối… là khó tránh khỏi. Hiện, cả nước có 103 cơ sở sản xuất giống TTCT, cung cấp cho thị trường 3,5 tỷ con giống. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống còn kém và không đồng đều, giá giống liên tục tăng cao theo nhu cầu thả nuôi của người dân.

Các chuyên gia ngành thuỷ sản khuyến cáo, TTCT phải nuôi riêng biệt với tôm sú, tuyệt đối không để lẫn lộn giữa nguồn nước nuôi tôm sú và TTCT; chỉ được nuôi TTCT theo quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nuôi TTCT ngoài vùng quy hoạch vẫn diễn ra. Hơn lúc nào hết, ngành chức năng cần sớm có những động thái kiểm soát trước khi quá muộn.

Chương Phượng Kinh tế nông thôn, 11/11/2013