TIN THỦY SẢN

Thôi thúc chuyển giao KHCN vào thủy sản

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị chuyển giao, ứng dụng KHKT vào khai thác thủy sản đã được tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào sáng 17/3 Văn Hùng - Trần Hiếu

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Vũ Văn Tám và các ông Trần Minh Thống, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản, hội nghị chuyển giao, ứng dụng KHKT vào thủy sản đã được tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào sáng 17/3.

* 70% tàu cá có công suất dưới 90CV

* 50% ngư dân có trình độ văn hóa cấp I

Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các Sở NN – PTNT của các tỉnh có đường biển. Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, hơn 10 năm rồi chúng ta mới có một hội nghị chuyên đề như thế này cho ngành thủy sản. Vì thế, việc thẳng thắn chỉ ra các thành tựu và hạn chế trong chuyển giao, ứng dụng KHKT vào thủy sản phải được mỗ xẻ, phân tích thấu đáo, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để tạo đột phá phát triển cho ngành thủy sản.

“Đưa KHCN vào lĩnh vực thủy sản là nhiệm vụ quan trọng, sống còn đối với ngành trong mục tiêu tái cơ cấu cũng như chiến lược phát triển đối với thủy sản” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản, đa số tàu cá của ngư dân Việt Nam đều là tàu võ gỗ, cỡ nhỏ, có chiều dài thiết kế dưới 20m, lắp máy dưới 90 CV (chiếm khoảng 70%) chủ yếu máy cũ, máy bộ, khả năng chịu đựng sóng gió thấp. Một vài năm trở lại đây, đã có ngư dân vay vốn đóng tàu có kích thước lớn, chiều dài 45m và công suất đạt 1.500CV.

Hiện công nghệ thiết kế và thi công đóng tàu cá vỏ thép, vỏ composite đã được áp dụng, nhất là công nghệ sử dụng khuôn đúc rời trong SX vỏ tàu composite. Một số công nghệ được hiện thực hóa như tàu lưới vây đuôi cải hoán từ tàu lưới vây mạn được nghiên cứu, thử nghiệm tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả cho thấy, mẫu tàu cải hoán hoạt động ổn định, tốc độ thả lưới đạt đến 9,2 hải lý/giờ và cơ động hơn so với tàu lưới vây mạn khi thả lưới. Tại Phú Yên, Bình Định các tàu được cải hoán cũng đã phát huy hiệu quả hơn trước.

Ngoài các bước tiến trên, một số thiết bị máy thu, thả lưới, điện, điện tử, đèn LED, ngư cụ... đã được ngư dân từng bước đầu tư, trang bị. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng nghiên cứu, SX, chế tạo ra các sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của ngư dân và từng bước đổi mới công nghệ khai thác trên biển.

Tuy nhiên, một thực tế ngư dân đánh cá của ta có trình độ học vấn còn thấp, hơn 50% số ngư dân có trình độ văn hóa cấp I. Khoảng 70% ngư dân có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi.

Tổng Cục thủy sản nhận định: Hầu hết các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác hải sản trên thế giới đều được nghiên cứu và bước đầu thử nghiệm áp dụng. Song, các kết quả chưa được như mong muốn. Ngoài các nguyên nhân về tài chính, bất cập trong chính sách thì vấn đề trình độ của ngư dân trong tiếp cận và vận hành thiết bị máy móc mới là những rào cản đặt ra đối với ngành thủy sản.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, doanh nghiệp và ngư dân đều cho rằng việc chuyển giao ứng dụng KHKT vào thủy sản là rất cần thiết, đồng thời cho răng, việc này cần phải được quan tâm sâu sắc, trách nhiệm và có chiến lược bài bản.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau băn khoăn trước việc Việt Nam chậm áp dụng các tiến bộ KHKT vào thủy sản. Ông Sử đưa ra các nguyên nhân, thứ nhất người dân quá cẩn thận, ngại áp dụng cái mới, nhiều người có tư tưởng bảo thủ trước những tiến bộ. Thứ 2, trong việc chỉ đạo, triển khai của ngành chức năng cũng chưa thỏa đáng.

Về phía địa phương, ông Sử mạnh dạn nhìn nhận việc áp dụng KHKT vào khai thác còn hạn chế. Đại diện các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi đánh giá cao mô hình “Lưới vây đuôi”. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho rằng, mô hình này rất lý tưởng nhưng đề nghị cho làm thêm vài mô hình điểm ở các địa phương có thế mạnh để chứng minh hiệu quả để ngư dân thấy và tin để dám đầu tư.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Như đến từ TP.Mỹ Tho, Tiền Giang thì đề nghị, các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có những lớp dạy nghề cho các thuyền trưởng, giúp họ hiểu rõ những tiến bộ, các dòng máy mới để áp dụng đúng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng Cục thủy sản tiếp nhận các kiến nghị của địa phương về những bất cập trong triển khai chính sách, đồng thời có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ tham mưu Chính phủ sớm ban hành các chính sách sát với thực tế hơn. Việc này Thứ trưởng giao phải hoàn thành trước 15/4.

Trăn trở của Thứ trưởng Vũ Văn Tám chính là thất thoát quá lớn sau thu hoạch của ngư dân hiện nay trên dưới 30%. Từ đó, đặt ra vấn đề phải đổi mới, cải tiến, đầu tư tốt hơn nữa cho hậu cần nghề cá và việc bảo quản sản phẩm sau khai thác. Thứ trưởng đề nghị các địa phương kiểm tra, tuyên truyền vận động ngư dân không dùng túi nilon đựng cá như ở một số nơi làm theo tập quán. Theo Thứ trưởng, đựng cá trên biển kiểu đó, vào đến bờ thì cá đã thối vữa ra rồi.

Thứ trưởng Bộ NN – PTNT đề nghị các doanh nghiệp và nhà khoa học tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, liên kết chặt chẽ với ngư dân để có những đánh giá, nghiên cứu, phát minh, chế tạo ra các sản phẩm, dụng cụ tốt nhất giúp ngư dân khai thác, bảo quản hải sản một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Văn Hùng - Trần Hiếu Nông Nghiệp Việt Nam, 17/03/2016