TIN THỦY SẢN

Thời tiết mưa bất chợt, sương mù khiến người nuôi thủy sản bất an

Người nuôi tôm phải tốn công xử lý nguồn nước sau mỗi trận mưa trái mùa - Đặng Ngọc Đặng Ngọc Minh- Minh Khánh

Mặc dù chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết tháng 2 nhưng thi thoảng trời lại đổ mưa bất chợt và xuất hiện sương mù dày đặc gây ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi thủy sản tại ĐBSCL.

Trễ lịch thời vụ

Năm nay, Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 113.000 ha tôm nuôi nước lợ, trong đó, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp là 2.600 ha, tôm - lúa 89.000 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến. Mặc dù đã vào vụ nuôi được hơn 40 ngày nhưng nông dân mới xuống giống được khoảng 30% diện tích do liên tục xuất hiện mưa lớn trái mùa làm thay đổi môi trường nước.

Ông Trần Văn Dũ (ngụ xã Thuận Hòa, H.An Minh, Kiên Giang) có 3 ha canh tác theo mô hình lúa - tôm, cho biết: “Đang thời vụ thả tôm giống mà trời lại mưa nắng thất thường. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, nhiệt độ, độ mặn, độ pH trong nước đều thay đổi nên tôm dễ bị sốc môi trường dẫn đến chết hàng loạt. Do vậy, nếu muốn thả tôm nuôi, nông dân phải mua vôi, hóa chất về xử lý nguồn nước. Nhưng nhiều người vừa xử lý xong ao nuôi, chưa kịp bắt tôm giống về thả thì gặp mưa lớn, phải ngưng lại làm cho lịch thời vụ bị chậm trễ”.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết năm nay, đơn vị đã xây dựng lịch thời vụ từ khá sớm để các địa phương phổ biến cho người dân thực hiện; đồng thời chủ động mở các cống ngăn mặn sau khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa để lấy nước nuôi tôm tại các vùng tôm - lúa, khuyến cáo nông dân ngưng thả giống khi thời tiết bất lợi, môi trường không ổn định, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô từ tháng 3 - 5.

“Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm giống miễn phí, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cấp phát hóa chất sát trùng để dập dịch, không để lây lan trên diện rộng”, ông Thao cho biết thêm.

Thủy sản nước ngọt lao đao

Không chỉ tôm nước lợ, việc xuất hiện mưa trái mùa còn khiền nhiều trại ươm cá giống nước ngọt bị thiệt hại từ 10 - 30%. Anh Nguyễn Thành Tân (ngụ P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) chuyên sản xuất lươn giống và cá kiểng, cho biết bình quân mỗi năm cơ sở của anh xuất khoảng 150.000 con lươn giống và hàng triệu con giống cá cảnh để cung cấp cho thị trường. Năm nay, anh chuẩn bị ao hồ từ trước tết để sau tết cho lươn bố mẹ đẻ lứa đầu tiên trong năm, ước khoảng 50.000 con giống.
Tuy nhiên, do gần đây cứ cách vài ngày thì trời lại đổ mưa, lại có sương mù xuất hiện làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, tỷ lệ nấm xuất hiện trong trứng lươn cao nên đợt cho đẻ lần này anh bị thiệt hại từ 15 - 30%. Theo anh Tân, hiện lươn giống trên dưới 2 tháng tuổi (khoảng 500 con/kg) có giá bán 3.500 - 3.700 đồng/con. Nếu mẻ lươn giống bị thiệt hại trên 10% do thời tiết thì người nhân giống sẽ mất cả chục triệu đồng/vụ.

Còn anh Nguyễn Văn Nguyên, kinh doanh cá giống nước ngọt ở xã Thới Thạnh (H.Thới Lai, TP.Cần Thơ), cho biết trước tết anh nhập về khoảng 1 triệu con cá giống điêu hồng, mè vinh, lóc, thát lát, tai tượng, chép... để sau tết bán. Không ngờ cá mới nhập về đã gặp vài trận mưa lớn, chưa kịp xử lý nước, sáng ra lượng cá giống bị hao hụt hơn 5%. Từ sau tết đến nay, trời vẫn tiếp tục có mưa, cộng với sương mù vào sáng sớm làm thay đổi nhiệt độ trong nước, cá con rất dễ bị chết. Theo anh Nguyên, mấy năm nay thời tiết, nhiệt độ lên xuống thất thường làm nông dân trở tay không kịp, dẫn đến thiệt hại.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ, cho biết thời tiết bất thường như thời gian qua gây nhiều khó khăn cho việc ươm tạo giống cũng như lịch thả nuôi. Để thích nghi và có biện pháp phòng tránh kịp thời, trước hết nông dân cần nắm rõ về kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao hầm; đồng thời tăng cường nguồn thức ăn giàu vitamin C để cá, tôm có sức đề kháng cao, cho sinh sản tốt.

Đặng Ngọc Minh- Minh Khánh Báo Thanh Niên