Thu nhập cao từ mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm trong ao
Anh Lê Lâm ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được biết đến là người tiên phong nuôi cá thát lát cườm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp để thu về lợi nhuận cao hơn.
Từ trước tới nay, người dân huyện Ba Tơ nói chung và xã Ba Thành nói riêng chỉ quen với các loài cá nước ngọt truyền thống như cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép, cá mè ... cho hiệu quả kinh tế không cao. Trong năm 2019, anh Lâm có ý định phát triển mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp để nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt ở miền núi, điều anh Lâm quan tâm là tìm được địa chỉ bán cá giống có uy tín, phải là cá giống tốt, đã qua kiểm dịch bởi yếu tố con giống là quan trọng nhất sẽ quyết định quá trình sinh trưởng phát triển của cá. Tiếp đến là kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cá thát lát cườm, kỹ thuật quản lý nguồn nước ao nuôi. Đặc biệt là kỹ thuật phòng trị bệnh cho cá.
Từ ý nghĩ trên, anh Lâm đã tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi để được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất đầu tiên ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ. Được cán bộ kỹ thuật về tận ao nuôi hướng dẫn anh Lâm cải tạo 600 m2 mặt nước ao, tu sửa và gia cố lại bờ ao, nạo vét đáy ao, dùng vôi bột diệt tạp và khử mầm bệnh rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần. Tiếp đó, bơm nước vào ao nuôi và tiến hành gây màu nước, khi nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối hoặc màu của vỏ trái đậu xanh thì tiến hành thả cá giống, vì màu nước như vậy thích hợp để nuôi thủy sản. Tháng 04/2020, anh Lâm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 70% kinh phí mua 6.000 con cá thát lát cườm giống có kích cỡ đồng đều từ 8 cm/con, thức ăn công nghiệp viên nổi và các loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh cho cá. Trong tháng nuôi đầu tiên, anh lâm cho cá ăn 3 lần trong ngày với liều lượng thức ăn bằng 7 – 10% trọng lượng thân cá và hơn một tháng nuôi, anh Lâm cho cá ăn 2 buổi trong ngày với liều lượng thức ăn bằng 3% trọng lượng thân cá. Thường xuyên bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa, vitamin tổng hợp vào thức ăn cho cá để tăng cường khả năng phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cá nuôi.
Anh Lê Lâm chia sẻ: Cá thát lát cườm có khả năng chống chịu tốt với các biến động của môi trường nước, dễ nuôi, nhanh thích nghi với điều kiện nguồn nước, khí hậu của miền núi nên lớn rất nhanh. Sau 7 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con từ 0,42 kg trở lên. Với vụ nuôi này, anh Lâm xuất bán được gần 2 tấn cá, với giá bán 100.000đ/kg, anh thu được gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh Lâm thu lãi gần 20 triệu đồng.
Cũng theo anh Lâm, để nuôi thành công con cá thát lát cườm thì trong suốt quá trình nuôi, định kỳ 10 ngày dùng 3 – 5 kg vôi bột hòa nước rồi tạt đều xuống ao nuôi cá, vôi bột ngoài tác dụng khử khuẩn còn có tác dụng điều chỉnh độ pH nước ao nuôi. Đồng thời phải tuân thủ đúng kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã hướng dẫn.
Kỹ sư Phan Trọng Mến, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết, để nuôi cá thát lát đạt hiệu quả, đạt lợi nhuận cao trước hết người nuôi không mua cá giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều về kích thước từ các các cơ sở bán cá giống có uy tín, cá giống phải được kiểm dịch. Khi nuôi với quy mô lớn cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc tốt ao nuôi. Đặc biệt phải định kỳ phòng ngừa các loại bệnh cá hay mắc phải như: bệnh ký sinh trùng (trùng bánh xe, trùng quả dưa…), bệnh xuất huyết, bệnh đốm đỏ, trương bụng…. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh ao nuôi, cần phải duy trì các yếu tố môi trường nước ao nuôi ở khoảng thích hợp như: nhiệt độ nước từ 28 – 33oC, pH nước từ 6,4 – 7,0. Hàng ngày khi cho cá ăn phải kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh cho phù hợp, tránh trường hợp cho cá ăn quá nhiều, thừa thức ăn làm nước ao nuôi bị bẩn, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh.
Hiện nay, với giá bán 100.000đ/kg cá, mô hình nuôi cá thát lát theo quy trình sử dụng thức ăn công nghiệp trong ao đất đã giúp gia đình anh Lâm nâng cao thu nhập. Có thể nói, nhờ tính chuyên cần, không ngại khó, ham học hỏi và tìm hướng đi mới mà anh Lâm đã là người đầu tiên đưa con cá thát lát cườm, một loài đặc sản nước ngọt về với xã miền núi Ba thành, huyện Ba Tơ.