TIN THỦY SẢN

Thu nhập cao từ nuôi hàu nước lợ

Mô hình nuôi hàu của anh Tạ Văn Thiết, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình từng bước mang lại thu nhập cao. Ảnh: Báo Thái Bình. Mạnh Thắng

Chỉ cần thả giống, không phải cung cấp thức ăn, khoảng 10 tháng có thể thu hoạch, đó là mô hình nuôi hàu nước lợ của anh Tạ Văn Thiết, xã Nam Phú (Tiền Hải).

Chúng tôi về thăm mô hình nuôi hàu của anh Thiết - mô hình nuôi hàu thành công của huyện Tiền Hải với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Để có được thành công ngày hôm nay, anh Thiết đã dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật tại các mô hình nuôi hàu ở Quảng Ninh. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, năm 2018 anh bắt tay vào thử nghiệm nuôi hàu với 200 bè, số vốn đầu tư 8 tỷ đồng tại vùng cửa Ba Lạt, xã Nam Phú - nơi sông Hồng đổ ra biển. Ngay năm đầu áp dụng nuôi hàu anh Thiết đã thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Thành công bước đầu, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm khu nuôi hàu giống đến nay lên đến 500 bè với số lượng hàu giống trên 25 vạn con. 

Anh Thiết chia sẻ: Với mong muốn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tôi chọn khu vực cửa Ba Lạt để xây dựng mô hình nuôi hàu nước lợ. Vùng cửa Ba Lạt có điều kiện thuận lợi để nuôi hàu như các yếu tố môi trường nước phù hợp và nguồn thức ăn tự nhiên cho hàu cũng khá phong phú. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triều lên xuống ở đây rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh. Hàu là nhóm nhuyễn thể rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn dựa vào nguồn sinh vật tảo có sẵn trong nước nên không phải tốn chi phí thức ăn. Cái lợi của nuôi hàu mang lại cả về kinh tế và môi trường, không tốn kém thức ăn như nuôi tôm, cá. Nghề nuôi hàu cũng có năm lãi, năm lỗ nhưng năm nào thu hoạch ít cũng không lo mất vốn. Nuôi hàu có 2 thời điểm lấy giống là giai đoạn tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 âm lịch. Ở giai đoạn này, ấu trùng hàu sống phù du, người nuôi chỉ cần làm giá thể để con giống bám vào. Lúc đó, hàu non chỉ nhỏ như hạt đỗ, nuôi thêm 10 tháng là thu hoạch. Nuôi hàu theo phương pháp nuôi treo giàn nổi trên mặt nước, sau đó dùng cước chuyên dụng để cột cố định hàu giống, mỗi dây thường nuôi 10 con, treo mỗi dây cách nhau 30cm. Cách nuôi này vừa dễ chăm sóc, theo dõi mức độ phát triển hàng ngày của con hàu và khi khai thác cũng thuận lợi. Nuôi hàu nước lợ lớn nhanh, tỷ lệ thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, mô hình nuôi hàu của anh Thiết cũng tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: Mô hình nuôi hàu của anh Thiết là mô hình đầu tiên tại xã Nam Phú nói riêng, huyện Tiền Hải nói chung. Trong tình hình điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày càng khan hiếm, việc phát triển nuôi hàu góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Nuôi hàu là hướng đi mới, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, hàu là đối tượng ăn lọc, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi. Tuy nhiên, để mô hình nuôi hàu phát triển bền vững và nhân rộng phải cần rất nhiều yếu tố bảo đảm như con giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; quy hoạch vùng nuôi theo đúng quy định... Hiện nay, xã Nam Phú đang khuyến khích các hộ dân đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy hải sản để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mạnh Thắng Báo Thái Bình