Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân các địa phương tại huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Cần mẫn tìm tòi và góp nhặt kinh nghiệm cho bản thân, ông Trần Đình Hoàn(SN 1968), Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thủy sản thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giangđã vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi cá thâm canh năng suất cao đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong những năm qua, được sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, với 14.000 m2 đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp, ông đã xây dựng lên một trang trại nuôi cá chuyên canh năng suất cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, đối tượng nuôi chính là cá rô phi, trắm, chép.
Bản thân vốn là một thợ cơ khí với tư duy năng động, ham tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, ông đã rất thành công trong việc xây dựng mô hình nuôi cá áp dụng máy móc, công nghệ cao vào sản xuất. Doanh thu từ các ao nuôi cá trong những năm gần đây đạt trên 2 tỷ đồng/năm, riêng năm 2018 thu được trên 60 tấn cá các loại, đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng từ nuôi trồng thuỷ sản.
Với 1,4 ha diện tích nuôi, ông thiết kế thành 4 ao lớn nhỏ, trong đó 2 ao nhỏ để nuôi vỗ cá giống, đến khi cá con đạt trọng lượng 120-130grồi mới chuyển vào2 ao còn lại nuôi cá thịt và để phân loại cũng như xử lý phòng bệnh cho cá trước khi đưa vào ao nuôi thương phẩm.
Ngoài đối tượng nuôi chính là cá rô phi đơn tính thả 50% lượng cá nuôi trong ao thương phẩm, ông Hoàn kết hợp nuôi ghép 50% cá chép và trắm cỏ. Ông thiết kế một hệ thống sục khí cho cả 4 ao nuôi và mỗi ao nuôi có một máy quạt nước, các hệ thống máy móc được điều khiển thông qua tủ điện cảm biến thông minh nhằm điều khiển, vận hành kể cả khi không có mặt tại trang trại.
Ông Hoàn cho biết, bí quyết để đạt được sản lượng cao, nuôi cá có hiệu quả, ngoài các yêu cầu về thiết kế ao nuôi, lựa chọn giống, tỷ lệ thả, chăm sóc, nuôi dưỡng thì cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố như định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, phòng bệnh cho cá bên cạnh việc dùng vôi truyền thống; cho cá ăn đủ thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tận dụng có sẵn như ngô, thóc và bổ sung các loại vitamin, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho cá. Trong những giai đoạn chuyển mùa sử dụng quạt nước, sục khí, máy tạo oxi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho cá trong ao nuôi.
"Việc nuôi cá theo quy trình VietGAP có nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống như theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thậm chí giúp người nuôi kiểm tra được hiệu quả của các hãng sản xuất thức ăn công nghiệp, chế phẩm, thuốc thú y cho cá thông qua sự tăng trưởng và quá trình chăm sóc. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxi giúp cho cá trong ao khỏe hơn, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn so với ao nuôi không sử dụng", Ông Hoàn chia sẻ.
Đến thời điểm này, ông Hoàn đã ứng dụng thiết bị cảm biến (tủ điện thông minh) nhằm số hóa các yếu tố như hệ thống camera theo dõi các ao nuôi, chống mất pha, vận hành hệ thống sục khí và quạt nước trong các ao và chuyển vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại.
Với việc ứng dụng trên, dù đang ở cách xa nhà, đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại. Thậm chí, có thể biết được tình trạng của hệ thống khi mất điện; kết nối, kiểm tra, điều khiển, bật tắt hệ thống sục khí, quạt nước của ao nuôi mà không cần phải có mặt ở nhà, đồng thời giúp tránh hỏng hóc các thiết bị khi bị mất điện đột ngột.
Bên cạnh đó, việc sử dụng máy cho cá ăn đã giảm thiểu được sức lao động trong quá trình chăm sóc. Chính vì vậy, mặc dù với khối lượng công việc tương đối lớn của trang trại, nhưng ông chỉ cần thuê một lao động thời vụ để hỗ trợ trong quá trình sản xuất.
Ông Hoàn chia sẻ: để đạt hiệu quả cao trong nghề nuôi cá, người nuôi phải mạnh dạn đầu tư, có sự đam mê, tìm tòi và vận dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với đặc thù ao nuôi, điều kiện nuôi của mình và thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm từ nhữngngười nuôi cá đi trước. Tìm kiếm những nguồn tiêu thụ ổn định để có thông tin điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của thị trường tránh bị phụ thuộc, ép giá.
Mô hình liên kết nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người nuôi như ông Hoàn thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn.
Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được các đơn vị thu mua theo hợp đồng bao tiêu và cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà máy, siêu thị, công ty có đầu mối xuất khẩu và một số chợ đầu mối trong vùng.
Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn cho ngành thủy sản của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt, với việc tạo ra các vùng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung định hướng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Mô hình được triển khai không những tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức người nuôi về VietGAP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.