TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế: Nuôi ngao ở đầm phá - hướng đi mới

Anh Trần Viết Phú kiểm tra ngao nuôi Thanh Thuận

Ngao hay còn gọi là trìa, đã mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn cho ngư dân vùng đầm phá.

Trong một chuyến công tác ở vùng đầm phá, chúng tôi được nghe lãnh đạo xã Lộc Bình (Thừa Thiên Huế) khen ngợi về mô hình nuôi ngao ở địa phương, không những giúp người dân đa dạng đối tượng nuôi mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Ty, ngư dân đầu tiên đưa con ngao vào nuôi ở đầm phá. Anh Ty cho biết: “Mô hình nuôi ngao được tui ấp ủ, học hỏi từ những năm đi bộ đội ở Nghệ An. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, tui quyết tâm thực hiện bằng được. Với lợi thế mặt nước sẵn có trên 1.500m2 ở đầm Cầu Hai, gần cửa biển Tư Hiền, tui đầu tư gần 50 triệu đồng mua vuông lưới, đổ cát đáy tạo môi trường sống cho ngao, xây dựng chòi canh; sau đó thả nuôi gần 20.000 con giống. Quá trình nuôi, ngao phát triển tốt, không xảy ra bệnh; sau hơn một năm nuôi, trừ các khoản chi phí cho lãi khoảng 50 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình anh Ty, anh Trần Viết Phú cũng gặt hái được nhiều thành công từ mô hình nuôi ngao. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phú cho rằng thời gian thả ngao từ tháng 7 đến 8 hàng năm là thời điểm tốt nhất; thả nuôi mật độ 100 con/m2. Hàng ngày, chỉ cần kiểm tra lưới vây, vớt các loài ốc, tảo bởi các đối tượng này có nguy cơ gây hại cho ngao. Thời gian nuôi ngao kéo dài hơn một năm. Ngao thịt bán với giá từ 50-55 ngàn đồng/kg, lúc cao điểm giá đội lên 65-70 ngàn đồng/kg. Anh Phú phấn khởi: “Vụ vừa qua tui thả nuôi 4 tạ ngao trên diện tích 1.000m2, ngao nuôi phát triển tốt, lãi được gần 70 triệu đồng. Ngao không chỉ dễ nuôi, mà gần như không có dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, không cung cấp thức ăn”.

Là mô hình nuôi tự phát nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên bà con ngư dân không ngừng mở rộng diện tích nuôi. Nguồn giống khai thác tự nhiên có hạn, vì vậy, để có đủ nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi bà con phải mua từ các tỉnh phía Nam với giá 30.000 đồng/kg; tỷ lệ hao hụt cao và có những lúc nguồn giống không đảm bảo chất lượng.

Ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: “Trước thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh thường xuyên xảy ra, rủi ro cao. Mô hình nuôi ngao ra đời giúp nhiều gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để nghề nuôi ngao thực sự phát triển bền vững, chính quyền địa phương và bà con ngư dân mong muốn các cơ quan, ban ngành liên quan hỗ trợ về kỹ thuật, cách chăm sóc… Đồng thời, Trung tâm Giống thủy sản nước lợ sớm ứng dụng quy trình sinh sản ngao giống, giúp người nuôi chủ động nguồn giống và có nguồn giống đảm bảo chất lượng để phục vụ nhu cầu thả nuôi. Kết quả bước đầu cho thấy, nghề nuôi ngao không những giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo mà còn mang lại thu nhập cao trong phát triển kinh tế”.

Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch vùng nuôi, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” để lại hậu quả khôn lường giống như nghề nuôi ốc hương, vẹm xanh ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) trước đây.

Thanh Thuận Báo Thừa Thiên Huế, 23/10/2013