TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế: Tái sinh nguồn lợi thủy sản

Ngư dân Hà Công tham gia tuần tra, bảo vệ NLTS Bài, ảnh: Hoàng Triều

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản (KBVTS) với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha, chiếm gần 3% diện tích vùng đầm phá.

“Mạch sống” trở lại

“Từ khi có khu bảo vệ thủy sản (KBVTS) Vũng Mệ, vài năm trở lại đây, vùng đầm phá này được bảo tồn, tái tạo, nhiều loại tôm, cá sinh sôi. Các loại tôm đất, cá bống đao, cá bống mũ, cá dầy... một thời gần như tuyệt chủng nay lại xuất hiện ngày càng nhiều”,  lão ngư  Hà Công Phước và Trần Văn Tín ở thôn Hà Công, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thông tin.

Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Hồ Lành cho biết, KBVTS Vũng Mệ được thành lập từ năm 2013 với diện tích 40 ha mặt nước. Trước đây vùng đầm phá Quảng Lợi có đến 273 trộ nò sáo, sau khi thành lập KBVTS đã sắp xếp lại chỉ còn 89 trộ. Địa phương thành lập 3 chi hội nghề cá (CHNC) để quản lý, bảo vệ NLTS gồm CHNC Cư Lạc, Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh.

Khi chưa thành lập KBVTS, người dân các địa phương khác thường đến đánh bắt trái phép bằng các phương tiện, thiết bị hủy diệt môi trường, khiến NLTS cạn kiệt. Giờ đây, các hoạt động đánh bắt trái phép hạn chế rất nhiều, chỉ còn một số ít người dân ngoài địa phương lén lút khai thác. Từ khi sắp xếp lại nò sáo, luồng lạch được khơi thông, cộng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý... tình trạng đánh bắt trái phép đã tạo điều kiện cho các loại thủy sản sinh sôi.

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình (Phú Lộc) thông tin, trước đây, một vùng đầm phá rộng lớn thuộc địa phận Lộc Bình rơi vào tình trạng “báo động đỏ”. Nhiều loài thủy sản vốn là nguồn sinh kế của người dân gần như bị cạn kiệt do đánh bắt trái phép, quá mức. Từ khi các KBVTS Hòn Núi Quện, Gành Lăng và Khe Đập Làng được thành lập, nhiều loài thủy sản có giá trị ngày càng sinh sôi. Vài năm gần đây, ngư dân đánh bắt hiệu quả cao hơn trước.

Bảo vệ chặt chẽ

Đến nay, toàn tỉnh thành lập 49 CHNC để quản lý, bảo vệ NLTS. Ngoài các phương tiện được huy động trong cộng đồng dân cư, Chi cục Thủy sản đã cấp 14 thuyền kiểm ngư cộng đồng và các công cụ hỗ trợ khác cho các CHNC để tuần tra, xử lý vi phạm.

Từ khi thành lập các KBVTS đến nay, các địa phương, ban ngành đã tổ chức gần 2.000 đợt tuần tra, xua đuổi 400 trường hợp vi phạm, xử phạt 150 trường hợp; tịch thu, tiêu hủy hơn 1.000 lừ xếp, 28 tay lưới rê, 4 bộ kích điện và nhiều tang vật khác.

Từ cuối năm 2009, UBND tỉnh  có chủ trương thành lập các KBVTS trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Khi KBVTS được thành lập, các hoạt động đánh bắt, khai thác  hoàn toàn nghiêm cấm nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, tái tạo NLTS, nhờ vậy việc quản lý dễ dàng và triệt để hơn so với quy định cấm theo mùa.

Khi được bảo vệ, quản lý chặt chẽ thì nguồn tôm, cá, thủy sinh có điều kiện ngày càng sinh sôi. Sau đó, NLTS  từ vùng bảo vệ, tái tạo sẽ bổ sung cho các vùng đầm phá xung quanh, nơi mà các cộng đồng ngư dân hưởng lợi, được phép đánh bắt.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc xây dựng, thành lập các KBVTS quy mô nhỏ, dựa vào cộng đồng từng bước thực hiện chính sách của Nhà nước về việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đồng thời thực hiện chính sách “treo thuyền” của tỉnh trong việc cấm đánh bắt trong khu vực cấm, hoặc cấm theo mùa nhằm dưỡng sức đàn cá bố mẹ, tái tạo, sinh trưởng NLTS.

Từ khi thành lập đến nay, Chi cục Thủy sản và các địa phương, ban ngành đã tổ chức thả 388 “rạn” (lùm cây, bụi trên vùng sông đầm) nhân tạo, tạo nơi trú ẩn an toàn cho tôm cá bằng các vật liệu cố định, bền vững; thả bổ sung, tái tạo gần 40 ngàn con cá dìa giống, 510 ngàn con tôm sú giống và 6.000 con cá đối... Tại một số KBVTS còn được trồng các loại cây tra, sú, đước, vẹt bản địa với 9.000 cây để các loài thủy sản trú ngụ.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình cho rằng, chưa có con số thống kê, phân tích cụ thể nhưng có thể thấy sự cải thiện sinh kế của ngư dân khi có hệ thống KBVTS đã được ghi nhận. Nguồn cua giống, cá dìa giống, cá mú, hồng, nâu, dìa thương phẩm... phát tán ra khu vực xung quanh tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân. Thống kê, đánh giá sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi năm, mỗi địa phương có KBVTS thu nhập bình quân trên 7 tỷ đồng/năm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều Báo Thừa Thiên Huế