Thức ăn thủy sản đồng loạt tăng giá: Đòn chí mạng!
Các DN thức ăn thủy sản thông báo có đợt tăng giá mới trong 3- 4 ngày tới. Trong lúc sản phẩm cá - tôm đang rớt giá trầm trọng, dịch bệnh tôm hoành hành dữ dội, nay giá thức ăn lại tăng chẳng khác nào thêm một đòn chí mạng vào nỗ lực vượt khó của người nuôi thủy sản.
Thức ăn cho cá tra chiếm 70% chi phí nuôi cá
Ở giữa sông Hậu, cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) là vùng nuôi cá tra thâm canh tập trung của TP Cần Thơ. Nghe tin giá thức ăn thủy sản tăng, nhiều hộ dân thở dài ngao ngán. Anh Toàn, nuôi 2 ao cá tra ở phía cuối cù lao Tân Lộc cho biết: Tôi vừa thả lứa cá giống mới thì hay tin thức ăn cá sẽ tăng thêm 200-300 đồng/kg, quả thật đáng lo. Bởi vì trước đây hơn nửa tháng, tôi thu hoạch xuất bán còn được 23.500 đồng/kg. Mấy hôm nay, một số ao tới lứa cá bán giá giảm còn 20.000-21.000 đồng/kg. Chẳng biết thị trường thủy sản hiện thời ra sao nữa, các DN thủy sản thu mua rất yếu lại mua nợ trả tiền sau 30 ngày. Nghề nuôi cá tra lo nặng nhất là chi phí thức ăn, chiếm tới 70% vốn đầu tư nuôi. Các hộ dân có liên kết với nhà máy ứng vốn mua thức ăn còn đỡ khổ, còn nếu làm ăn đơn lẻ tự xoay xở vốn nhà, vốn vay sẽ khó khăn chồng chất.
Rời vùng nuôi cá sang các tỉnh ven biển, người dân nuôi tôm chưa hết bàng hoàng vì dịch bệnh hoành hành thời gian qua nay lại bần thần trước giá thức ăn nuôi tôm tăng. Tại Bạc Liêu, nhiều hộ dân nuôi tôm nhỏ lẻ cho biết, các đại lý bán thức ăn tôm, giá bán lẻ bình quân lên tới 36.000-37.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay đã tăng giá mấy lần, mấy ngày qua lại rộ tin thức ăn tôm còn tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg.
Một chủ trang trại nuôi tôm nói: Dân nuôi tôm đang thất điên bát đảo vì tôm chết, gần đứt vốn; trông vào ngân hàng không dễ vay, chờ nhà khoa học chưa tìm ra căn nguyên trị bệnh, còn bảo hiểm con tôm mới thử nghiệm chưa tới nơi tới chốn… Người nào giỏi nuôi được có tôm bán lúc này cũng rớt giá trầm trọng: tôm 50 con/kg bán 100-120 ngàn đồng/kg; tôm cỡ 25 con/kg giá 170 ngàn đồng/kg. Tính ra bình quân giảm 50.000-70.000 đồng/kg, giảm lãi 50% so với giá hồi đầu vụ. Có thể nói dân nuôi tôm như đang hấp hối mong được nhà sản xuất thức ăn là “bạn” đồng hành, chia sẻ khó khăn. Nào ngờ ông này lại ra chiêu tăng giá đúng lúc khó khăn nhất, chẳng khác dồn nông dân vào bước đường cùng.
Người nuôi tôm khốn khổ vì dịch bệnh nay lại méo mặt với giá thức ăn
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi mấy năm qua hiện lên đủ mặt các thương hiệu mạnh. Trong đó doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài chiếm hầu hết thị phần như: Proconco, Cargill, Tomboy, C.P, UP, Grobest, Con Cò… Ông Trần T, chủ đại lý bán thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản tại chợ Ô Môn, quận Ô Môn (Cần Thơ) cho biết: Theo thông báo ngày 19/6 thức ăn cá tra tăng thêm 250 đồng/kg; thức ăn tôm tăng phổ biến 500-800 đ/kg, đưa giá bán lên tới 35.000-38.000 đồng/kg.
Được biết, từ cuối tháng 5/2012 thức ăn chăn nuôi đã có dấu hiệu chực tăng giá. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, trong năm 2011 thức ăn thủy sản tăng giá 7 lần, mỗi lần tăng 200-300 đồng/kg và có thời điểm tăng 16-30%. Cách lý giải của đa số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi thường đổ cho lý do nguồn nguyên liệu tăng giá, nhất là nguyên liệu nhập khẩu tăng hoặc sẽ có dấu hiệu tăng, nguồn cung hạn chế… Có điều, giá thức ăn từ trước tới nay chỉ có tăng mà chưa một lần giảm.
Dây chuyền đóng gói thức ăn thủy sản ở ĐBSCL
Giám đốc một nhà máy chế biến thức ăn gia súc và thủy sản tại Cần Thơ nói: Việc tăng giá chủ yếu thuộc về các DN nước ngoài (họ đã chiếm trên 80% thị phần thức ăn thủy sản nên có quyền điều tiết thị trường), còn giá bán của các DN trong nước hầu như không tăng, trung bình khoảng 29.000 đ/kg. Phải nói tăng giá thức ăn thủy sản lúc người nuôi cực kỳ khó khăn như lúc này là rất không tốt, thiếu đạo đức kinh doanh.
Việc tăng giá cũng rất thiếu căn cứ. Đơn cử trong thành phần nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như: bột cá (chủ yếu nhập khẩu) 60% đạm là 20.000 đồng/kg, không tăng giá; bánh dầu đậu nành nhập khẩu hiện đang giảm nhẹ, lúc tăng cao nhất 13.000-14.000 đồng/kg, nay giảm còn 12.500 đồng/kg; mì lát đứng giá 5.000 đồng/kg; cám tươi tại ĐBSCL đang giảm giá từ 4.800- 5.000 đồng/kg xuống còn 4.400- 4.500 đồng/kg; tấm 3/4 từ 6.050-6.100 đồng/kg giảm còn 5.800-5.850 đồng/kg. Nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm, hà cớ gì giá thức ăn chế biến lại tăng? Nghịch lý này rất cần sự can thiệp của Nhà nước.
+ Vua tôm sú Võ Hồng Ngoãn, Vĩnh Trạch Đông – TP. Bạc Liêu bức xúc: Người nuôi hiện nay gặp nhiều khó khăn thế mà các công ty cứ “đè” cổ người dân mà cắt hoài. Nhà nước nên quản lý chặt vấn đề này không để cho các công ty thức ăn “tung hoành” như vậy mãi. Hết con giống, tới thuốc dùng cho thủy sản tăng, nay lại thức ăn thì chúng tôi chỉ có nước nghỉ nuôi.
+ Ông Đào Bá Cường - Chi cục phó Chi cục NTTS Bạc Liêu: Trong tình hình hiện nay người nuôi tôm cần tính toán kỹ bài toán chi phí. Bà con nên dùng loại thức ăn rẻ nhưng đảm bảo chất lượng để nuôi, không nhất thiết phải dùng hàng ngoại nhập. Hiện ở nước ta vẫn có nhiều công ty thuốc, thức ăn chất lượng nhưng giá thành rất rẻ so với các công ty của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Đề nghị Bộ NN-PTNT quản lý các công ty bán thức ăn thủy sản thật chặt, không nên thả nổi thị trường này; thường xuyên kiểm tra nguyên liệu của các công ty sản xuất thức ăn, tránh tình trạng công ty thu hồi hàng tồn kho về rồi sơ chế bán lại cho người nuôi, thức ăn kém chất lượng, gây ra nhiều loại bệnh cho tôm nuôi.