Thức ăn tự chế cho cá đã đến lúc hết thời
Trước đây, ngoài việc sử dụng thức ăn công nghiệp, người nuôi cá còn tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp để chế biến làm thức ăn cho cá tra nhằm giảm chi phí sản xuất. Thế nhưng hiện nay, thức ăn tự chế (TATC) của bà con nông dân nuôi cá đã không còn được chọn lựa nữa vì chất lượng sản phẩm cá nuôi không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng dùng để chế biến xuất khẩu.
Vì thế, TATC ngày càng ít được người nuôi cá tra sử dụng và thay vào đó là các loại TACN phát triển rất mạnh.
Thời thức ăn công nghiệp (TACN)
Cách đây khoảng 5 năm, hình ảnh chiếc máy nghiền thức ăn cho cá tra rất là quen thuộc với người nuôi cá ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… , vì lúc bấy giờ người nuôi cá tận dụng TATC để giúp giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay hình ảnh ấy đã không còn và được thay vào là TACN được chế biến sẵn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, một hộ nuôi cá tra thương phẩm lâu năm tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, trước đây gia đình ông cũng sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong gia đình hoặc thu mua trong xóm để cho cá tra ăn. Thế nhưng hiện nay, ông chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho hoạt động nuôi trồng của mình.
Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản khẳng định: “Hiện sản lượng thức tự chế được người nuôi cá sử dụng giảm rất mạnh, nếu như vào năm 2005, TATC chiếm đến 26% tổng sản lượng thức ăn được tạo ra, thì nay chỉ còn 6,5% mà thôi. Nguyên nhân là do người nuôi cá đã chuyển sang sử dụng TACN”.
Nhu cầu sử dụng TACN tăng, vì vậy hàng loạt nhà máy chế biến đã ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 6 năm qua (từ 2005), số lượng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển từ 38 nhà máy lên 130 nhà máy, tăng 331% trên phạm vi cả nước, riêng các nhà máy chế biến thức ăn cho cá tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. Sản lượng thức ăn được sản xuất ra phát triển tăng 410 ngàn tấn lên 3,77 triệu tấn (tăng 585%).
“Trong 6 năm qua, số lượng nhà máy sản xuất TACN tăng trung bình mỗi năm là 55% và sản lượng là gần 98%/năm. Hiện nay, TACN giữ một vị trí cục kỳ quan trọng trong ngành nuôi cá tra của Việt Nam”- ông Quý khẳng định.
Chất lượng thấp, thức ăn tự chế bị “khai tử”
Đa số bà con nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp mà người viết có điều kiện tiếp xúc cho rằng, sử dụng thức ăn tự chế bất tiện, nguồn cung không ổn định, và đặc biệt nhất là bị các doanh nghiệp thu mua cá nguyên liệu để chế biến xuất khẩu “ép” giá.
Ông Nguyễn Minh Điền ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết: “Hiện tại, tôi chỉ sử dụng TACN để nuôi cá tra thôi vì cá cho chất lượng thịt trắng hơn, đẹp hơn so với khi cho ăn TATC. Theo đó, khi xuất bán giá sản phẩm sẽ tốt hơn so với những hộ nuôi bằng TATC”.
Theo bà con nuôi cá tại An Giang, không chỉ chất lượng thịt cá được tạo ra thấp, sử dụng TATC cá lâu lớn do giá trị dinh dưỡng trong TATC thấp; nguồn nước trong ao nuôi cũng rất nhanh bị ổ nhiễm, dễ gây ra bệnh cho cá nuôi.