TIN THỦY SẢN

Thực trạng bảo vệ nguồn nước nuôi trồng thủy sản

Một số hộ dân ngại khó, ngại tốn kém chi phí đã xả thẳng nguồn nước bẩn từ ao nuôi ra sông làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Ảnh minh họa. Internet Ngọc Khuê

Đa số người nuôi tôm vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nước chung. Nhưng một số hộ dân ngại khó, ngại tốn kém chi phí đã xả thẳng nguồn nước bẩn từ ao nuôi ra sông làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Nuôi trồng thủy sản - Nguy cơ ô nhiễm cao...

ĐBSCL có nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Trong quá trình làm đất trồng trọt, chăn nuôi hoặc đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kinh rạch, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch… đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa, sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt, làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.

Các nguồn nước thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, cần xử lý triệt để trước khi thải ra sông rạch.

Riêng ở Sóc Trăng, từ hơn 10 năm trước, phong trào nuôi thủy sản nước lợ bùng phát mạnh mẽ, đất lúa chuyển dần qua đất nuôi tôm và thủy sản nước lợ. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản tôm cá, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn sắt nhôm, SO42-, các thành phần chứa H2S, NH3... là sản phẩm của quá trình phân hủy yếm khí ngập nước tạo thành, nguồn bùn phù sa lắng đọng trong các ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi. Đặc biệt, với các mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ nuôi lớn như nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp... thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.

... nhưng khó kiểm soát

Rất khó kiểm soát các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước, khi mà một số hộ dân ngại khó, ngại tốn kém chi phí, mà xả thẳng nguồn nước bẩn từ ao nuôi ra sông. Nhiều hộ tranh thủ xả bùn ao ra sông, xả nước vào ban đêm hoặc khi cơ quan chức năng không kiểm tra. Nguồn chất thải này lan truyền rất nhanh đối với hệ thống nuôi cá bè trên sông, nuôi cá trong ao, cùng với lượng phù sa lan truyền có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước. Những năm gần đây, dịch bệnh đã phát sinh trên diện rộng ở các loại cá, tôm nuôi diễn biến rất phức tạp gây nhiều thiệt hại đối với người nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, cá tra nuôi ao, cá điêu hồng nuôi bè có thể bị hao hụt hơn 50%, dịch bệnh trong nuôi tôm nước lợ cũng ngày càng diễn biến phức tạp làm tôm nuôi chết hàng loạt ở vùng ven biển đã diễn ra nhiều năm.  

Không riêng ở thị xã Vĩnh Châu, đa số người nuôi tôm trong tỉnh vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nước chung, đầu vụ lấy nước từ ngoài vào xử lý nuôi tôm, cuối vụ xả nước trong ao ra ngoài. Điều này sẽ không đáng nói nếu như các nguồn nước trước khi xả thải ra môi trường được xử lý sạch. 

Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường Sóc Trăng, nguồn nước tại các vùng nuôi tôm hiện nay, các thông số chất hữu cơ, chất độc vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Mặt khác, một số hộ dân áp dụng mô hình nuôi khép kín, trữ nước vụ trước để nuôi vụ sau, hạn chế trao đổi nước với bên ngoài. Với mô hình này, người nuôi chú trọng nhất là khâu xử lý nước an toàn cho vật nuôi, ưu tiên các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược hoặc các vi sinh vật có lợi, nên đảm bảo được sự an toàn cho môi trường.

Đối với các khu vực trồng lúa, việc lấy nước vào ra đồng ruộng gần như bắt buộc phải làm. Khi thời gian mùa vụ ngắn lại, nông dân sản xuất nhiều vụ trong năm, nhu cầu lấy nước vào rửa độc chất trong ruộng càng tăng lên. Sau mỗi vụ lúa, xác bả thực vật, chất hữu cơ dư thừa, hóa chất bảo vệ thực vật… sẽ theo nguồn nước xả thẳng ra sông mà không hề có biện pháp xử lý nào. Nguồn chất thải này chỉ một phần ít được hóa giải, phần còn lại tích tụ lâu ngày trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường sinh thái. Ông Trần Trang Nhã, Phó Phòng NN& PTNT huyện Thạnh Trị cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay đa số bà con còn sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Hướng tới, Phòng NN& PTNT huyện sẽ tuyên truyền, vận động nông dân trong quá trình canh tác nên áp dụng các biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ để hạn chế lượng thuốc và phân hóa học”.

UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi về diễn biến, khuyến cáo người dân về thực trạng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền hướng dẫn người dân thu gom các phụ phẩm nông nghiệp, các bao bì, dụng cụ chứa hóa chất sử dụng trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản… rồi xử lý tại các điểm thích hợp và đúng quy định. Đồng thời có biện pháp trong phòng chống ô nhiễm môi trường nước, có biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất kinh doanh. Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo hộ dân trong quá trình chăn nuôi, trồng lúa nên chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch. Về phía ngành chức năng sẽ thường xuyên lấy mẫu nước theo định kỳ để kiểm tra các yếu tố về môi trường và khuyến cáo trước cho các khu vực có diện tích nuôi trồng thủy sản để hộ nuôi chủ động phòng ngừa”.

Phát triển sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp. Để làm được điều này, chỉ các cơ quan, ban ngành hành động thì chưa đủ, mà chính người dân đóng vai trò quyết định. Do đó, người dân phải nâng cao ý thức, xem bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Ngọc Khuê Báo Sóc Trăng