TIN THỦY SẢN

Thực trạng và hướng phát triển bền vững nuôi cá biển

Nhóm cá dữ là những loài nuôi biển chính ở Việt Nam Sáu Nghệ

PGS.TS Phạm Đức Hùng ở Viện Nuôi trồng Thủy sản thuộc Trường Đại học Nha Trang phân tích thực trạng nuôi cá biển hiện nay, từ con giống đến các đối tượng và hình thức nuôi còn nhiều hạn chế, từ đó đề xuất hướng phát triển bền vững.

Đối tượng nuôi rất đa dạng  

Điều kiện tự nhiên ở nước ta cũng như sự sáng tạo của người dân và doanh nghiệp đã nuôi khá đa dạng cá biển, tập trung vào 2 nhóm: Cá dữ và cá ăn tạp. Nhóm cá dữ là những loài nuôi biển chính ở Việt Nam, có giá trị kinh tế cao, phù hợp cho nuôi công nghiệp; được nuôi đơn trong lồng hoặc ao, tập tính ăn động vật với nhu cầu protein cao. Còn nhóm ăn tạp có tập tính ăn thực vật, mùn bã hữu cơ với nhu cầu protein trung bình, chủ yếu nuôi ghép trong ao đất, lồng ven bờ, quy mô và sản lượng hạn chế. 

Nhóm cá dữ lại có thể chia thành 2 nhóm nhỏ: Đối tượng chính và số còn lại. Đối tượng chính gồm cá chẽm, chim vây vàng, hồng Mỹ, mú lai, bớp; đã chủ động sản xuất giống nhân tạo, hoàn thiện thức ăn công nghiệp dành riêng (trừ cá bớp). Thích nghi tốt với nuôi lồng, nuôi ao, tăng trưởng nhanh; có tiềm năng về thị trường tiêu thụ, giá trị kinh tế cao; có thể mở rộng nuôi trong lồng tròn HDPE ở các vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, nhu cầu dinh dưỡng cao, giá thức ăn cao và yêu cầu môi trường sạch, kỹ thuật nuôi tốt. 

Các đối tượng còn lại trong nhóm cá dữ là sủ đất, hồng đỏ, hồng bạc, tráp, gáy biển, bè vàng, bè vẫu; cũng đã chủ động sản xuất giống nhân tạo. Khả năng thích nghi với thức ăn tổng hợp kém, FCR cao. Ấu trùng mới nở có cỡ miệng nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm. Phần lớn nuôi lồng trên biển. Nhóm này phụ thuộc vào thức ăn tươi trong nuôi thương phẩm nên quy mô nuôi phụ thuộc lớn vào nguồn cung và giá cá tạp.  

Nhóm cá ăn tạp gồm có cá dìa, nâu, măng, đối mục, đục bạc, bống bớp, tai bồ; nguồn giống chủ yếu tự nhiên, chỉ số ít sản xuất nhân tạo. Thức ăn tự nhiên kết hợp thức ăn tổng hợp. Khả năng thích nghi với nuôi lồng kém. Kích thước thương phẩm nhỏ, nhu cầu dinh dưỡng thấp nên giá thức ăn trung bình. Giá trị xuất khẩu thấp. Chủ yếu nuôi ghép hoặc nuôi đơn trong ao đất. Có thể phát triển nuôi ghép với tôm, cua để tận dụng thức ăn. 

Hình thức nuôi đa dạng 

Nuôi lồng gỗ là phổ biến nhất. Lồng gỗ hình vuông, kích thước 3 x 3 x 3m hoặc 8 x 8 x 6m đặt trong các eo, vịnh kín gió, vùng biển gần bờ. Cho ăn bằng tay với thức ăn công nghiệp hoặc cá tạp. Đối tượng nuôi chủ yếu là nhóm cá dữ cho năng suất trung bình 7 – 12 kg/m3 với hệ số FCR cao: 2 – 2,5. Lồng gỗ khả năng chống chịu sóng gió kém nên khó mở rộng vùng nuôi và chịu tác động nước thải ven bờ: nước sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. 

Nuôi lồng vuông bằng nhựa HDPE hoặc composite, có khả năng chống chịu sóng tốt hơn lồng gỗ nhưng đòi hỏi bảo trì đúng cách, chi phí còn cao. 

Lồng cá với chất liệu hiện đại mang lại hiệu quả hơn

Nuôi lồng tròn vật liệu HDPE với hệ thống nhiều lồng, sản lượng nuôi cao; kiểm soát môi trường, cho ăn tự động; khả năng chống chịu sóng tốt, có thể nuôi ở các vùng biển hở. Sử dụng trong nuôi cá chẽm, chim vây vàng, hồng Mỹ, bớp. Đòi hỏi cơ sở hậu cần tốt, kỹ thuật vận hành chuyên nghiệp với chi phí đầu tư cao. Sử dụng thức ăn công nghiệp, chủ động sản xuất giống nhân tạo; nuôi được mật độ cao, dễ fillet, tiềm năng xuất khẩu tốt. 

Nuôi ao đơn loài với ao đất hoặc ao lót bạt; quy mô công nghiệp đã được áp dụng với cá chẽm, hồng Mỹ; mật độ 2 – 7 con/m2, nuôi 8 – 12 tháng, sử dụng thức ăn viên nổi có hệ số FCR < 1,7 và năng suất 15 – 50 tấn/ha. Còn nuôi ao kết hợp đa loài áp dụng với các đối tượng ăn tạp; kết hợp các loài cá biển ăn mùn bã hữu cơ với giáp xác, thực vật như cá bống bớp với rong câu; cá nâu với cua, tôm giúp tận dụng nguồn thức ăn và tầng nước. 

Hạn chế trong nuôi và sản xuất giống  

Như trên cho thấy, nuôi chủ yếu trong lồng gỗ từ 27 – 250 m3 ở các vịnh, vùng ven bờ, hoặc trong ao đất. Thức ăn là cá tạp vẫn sử dụng trong nuôi cá bớp, bè vẫu, sủ đất; với thức ăn công nghiệp có phát triển cho nuôi cá chim vây vàng, chẽm, hồng Mỹ, mú. Phòng trị bệnh cho cá chủ yếu sử dụng kháng sinh. Năng suất trung bình từ 7 – 12kg/m3. Còn lồng tròn bằng vật liệu HDPE đã sử dụng từ năm 2004, tăng sản lượng nuôi lên 10 – 15 tấn/lồng với cá chim và tới 300 tấn/lồng với cá chẽm; tuy nhiên, đòi hỏi chi phí đầu tư cao, thiết kế và vận hành phức tạp nên số lượng chưa nhiều. 

Về sản xuất giống, cá bố mẹ chủ yếu được nuôi vỗ trong lồng ngoài biển, bên cạnh có một số được nuôi trong ao như cá hồng Mỹ hay trong bể như cá mú. Thức ăn là cá tạp tươi, bổ sung thêm tôm mực. Hormone sử dụng là HCG và LHRH-A. Hoạt động nuôi vỗ, cho đẻ mang tính tự phát, thiếu sự quản lý. Mô hình ương có bể ương trong các trại giống, trong ao bạt, và lồng đặt trong ao đất. Thức ăn sử dụng là luân trùng, copepoda, artemia, thức ăn tổng hợp, cá tươi. Sử dụng nhiều nước và nước thải phần lớn không được xử lý trước khi xả ra môi trường. 

Thực trạng sản xuất giống và nuôi như trên còn có nhiều hạn chế. Đó là, quản lý chất lượng đàn cá bố mẹ kém khiến suy giảm chất lượng giống, thiếu đầu tư cho nuôi vỗ cá bố mẹ. Nguồn gốc cá bố mẹ không được kiểm soát tốt nên cá giống xảy ra tình trạng cận huyết, giảm chất lượng, thấy rõ ở cá mú lai, chim vây vàng. Còn trứng và giống cá mú lai, cá chim vây vàng nhập lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Trại giống sử dụng tài nguyên nước rất lớn và chủ yếu xả thải trực tiếp ra biển nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Giá thức ăn liên tục tăng (10 – 15% giai đoạn 2020 – 2023). Không có thức ăn phù hợp cho một số đối tượng như cá bớp, cá bè vẫu, cá sủ đất. Phần lớn nuôi trong lồng gỗ đặt tại vùng biển ven bờ, trình độ kỹ thuật hạn chế nên dễ phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. 

Chủ động nguồn giống chất lượng tốt cho nuôi biển đa dạng hóa đối tượng

Hướng phát triển bền vững nuôi cá biển  

Cần có chính sách, quy hoạch vùng nuôi. Khi biển được quy hoạch vùng nuôi, thì đi liền là chính sách sử dụng mặt nước, chính sách về vốn, bảo hiểm. Phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm từ cá biển để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng tính liên kết trong hoạt đông sản xuất giống – nuôi thương phẩm – tiêu thụ sản phẩm. 

Phát triển thức ăn công nghiệp cho các đối tượng cá biển quan trọng như cá mú, bớp, bè, sủ đất và kiểm soát tốt chất lượng để đáp ứng nuôi công nghiệp xa bờ, giảm khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, giảm tác động với môi trường nuôi. Hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo theo hướng giảm phụ thuộc vào copepod, thức ăn tươi trong ương giống. Chủ động nguồn giống chất lượng tốt cho nuôi biển đa dạng hóa đối tượng. 

Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nuôi, từ quản lý cá bố mẹ, kỹ thuật ương giống, vận chuyển cá giống, cho ăn, kỹ thuật thu hoạch đến sơ chế sau thu hoạch. Nghiên cứu vật liệu mới và ứng dụng trong thiết kế lồng nuôi; quan tâm một số dạng lồng nuôi ở vùng biển mở, có độ sâu lớn. 

Nghiên cứu nâng cao miễn dịch qua con đường sinh học, tối ưu chế độ làm giàu thức ăn sống, chất dinh dưỡng để nâng cao khả năng thích ứng của cá con với nhiệt độ cao. Sử dụng các chất có hoạt tính sinh học cao để nâng cao khả năng miễn dịch ở cá, qua đó giảm sử dụng chất kháng sinh trong phòng trị bệnh.  

Đặc biệt là xây dựng các mô hình nuôi thân thiện. Gồm có nuôi ghép nhiều đối tượng, kết hợp giữa các loài với tập tính ăn khác nhau để tận dụng nguồn thức ăn trong hệ thống. Nhất là áp dụng với nuôi cá biển trong ao: nuôi cá với tôm; nuôi cá với trồng rong câu; nuôi cá kết hợp với trồng rong, thân mềm. 

Sáu Nghệ