TIN THỦY SẢN

Thương hiệu "mực ống Cô Tô"

Phơi mực trên giàn phơi tại cơ sở chế biến mực ống Cô Tô của gia đình chị Phạm Thị Măng. vĩ an

Đã từ lâu, sản phẩm mực khô, mực “một nắng” Cô Tô (Quảng Ninh) đã khá nổi tiếng.

Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được sản xuất bằng thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên khó đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ cũng khó được nâng cao và mở rộng...

Đặc trưng riêng

Theo các “lão ngư” ở Cô Tô và những người sành ăn hải sản, mực, nhất là mực qua sơ chế thành sản phẩm mực “một nắng” và mực khô ở Cô Tô có độ dai, mềm và ngọt hơn hẳn ở những vùng biển khác. Đó là bởi, Cô Tô nằm ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ nên có loài mực ống của biển Bắc Hải (tên tiếng Anh là Mitre Squid, tên khoa học là Logigo chinensis Gray). Đây là loài mực ống cơ thể lớn (cỡ lớn nhất dài tới 35-40cm), thân hình hoả tiễn, chiều dài thân gấp 6 lần chiều rộng, đuôi nhọn, vây dài bằng 2/3 chiều dài thân. Vỏ trong bằng sừng trong suốt, giữa có gờ dọc. Mực ở Cô Tô được khai thác quanh năm nhưng chính vụ là từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 9. Trong đó, thời điểm loài mực ống xuất hiện nhiều là từ 25-2 âm lịch kéo dài đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 âm lịch. Ngư dân thường sử dụng các nghề ngư có kết hợp ánh sáng như: Nghề câu, mành đèn, nghề vó và nghề chụp để khai thác, đánh bắt loài thuỷ sản này. Nhờ thế, sản lượng mực khai thác hàng năm tại Cô Tô thường đạt trên 300 tấn.

Không chỉ có sẵn nguồn nguyên liệu mà việc chế biến các sản phẩm từ mực ở Cô Tô còn có lợi thế là nguyên liệu tươi, ngon. Tiến sĩ Trần Thị Dung, Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thuỷ sản Hưng Phú (TP Hà Nội) - đơn vị tư vấn thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” cho biết: “Thường buổi đêm, các ngư dân ra khơi khai thác mực, đến sáng đã cập bến để giao hàng. Cộng thêm bàn tay khéo léo và lành nghề của người dân địa phương, trong điều kiện tự nhiên về nắng gió, không khí trong lành của biển đảo đã tạo nên hương vị đặc biệt cho sản phẩm mực khô và mực “một nắng” Cô Tô”.

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thuỷ sản Hưng Phú, hiện Cô Tô có khoảng 5 hộ lớn và hàng chục hộ làm nghề chế biến thuỷ sản khô; trong đó có sản phẩm mực khô và mực “một nắng”. Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến được khoảng 2 tạ mực khô và 2 tạ mực “một nắng”/tháng. Song số sản phẩm này chủ yếu bán cho khách du lịch tiêu thụ tại chỗ hoặc đem về làm quà biếu. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên những sản phẩm này ở Cô Tô đều không có nhãn mác, bao gói.

Thêm nữa, trước đây do Cô Tô chưa có điện lưới nên việc chế biến các sản phẩm này vẫn hoàn toàn bằng thủ công và phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều công đoạn xử lý, chế biến mực khô, mực “một nắng” đều được các hộ thực hiện ngay trong khuôn viên nhà ở, sau đó, đem phơi ngoài bãi trống ven đường đi lại nên khó đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo VSATTP, đặc biệt vào những ngày trời không có nắng hoặc bị mưa, việc che đậy tránh mưa và sấy sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Đó là còn chưa kể đến vấn đề chất lượng sản phẩm cũng không thật đồng đều và ổn định.

Cơ hội vươn xa trên thị trường

Nhìn thấy những nguy cơ đe doạ đối với sản phẩm mực ống Cô Tô; đồng thời, giúp người dân Cô Tô có thể phát triển được sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm mực ống, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cũng như góp phần làm tăng uy tín và danh tiếng cho sản phẩm, Sở KH&CN và UBND huyện Cô Tô đã chính thức triển khai dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” cho sản phẩm mực ống của huyện. Dự án được triển khai trong 2 năm (2012-2013) với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Dự án đã lựa chọn gia đình chị Phạm Thị Măng, khu 4, thị trấn Cô Tô làm đối tác trụ cột để triển khai dự án. Theo đó, gia đình chị Măng sẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư mô hình chế biến, tiêu thụ mực khô và mực “một nắng” mang nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô”, kết hợp làm điểm tham quan du lịch tại chỗ và bán các sản phẩm này cho khách tham quan, du lịch. Ngoài ra, dự án cũng phổ biến, tập huấn thêm cho các hộ chế biến, kinh doanh khác ở địa phương các kiến thức về công nghệ chế biến, bảo đảm VSATTP, kỹ năng kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

Với sự hỗ trợ của Dự án, hiện nay gia đình chị Măng đã đầu tư xây dựng được khu chế biến, phòng đóng gói, kho lạnh, hệ thống lò sấy, giàn phơi đảm bảo đúng quy chuẩn VSATTP trên tổng diện tích mặt bằng 1.500m2. Chị Măng phấn khởi cho biết: “Trước kia, tôi chế biến mực khô, mực “một nắng” hoàn toàn bằng thủ công nên không chủ động được nguyên liệu cũng như sản phẩm. Nghĩa là chỉ khi trời nắng mới làm, còn trời mưa và không phải vụ khai thác mực thì nghỉ. Chính điều này hạn chế rất nhiều đến việc mở rộng sản xuất của gia đình.

Hiệu quả Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” cho sản phẩm mực ống của huyện mang lại không chỉ đơn thuần như những gì chị Măng đã cảm nhận mà quan trọng hơn, dự án còn tác động làm thay đổi đáng kể nhận thức của những hộ tham gia chế biến kinh doanh sản phẩm hải sản khô ở Cô Tô. Sau hộ gia đình chị Măng tham gia dự án, đã có một vài hộ khác đến tham quan, học hỏi. Điều này cũng hứa hẹn, sản phẩm mực ống Cô Tô sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

vĩ an Báo Quảng Ninh, 22/10/2013