Thủy sản Cà Mau: kỳ vọng năm 2013
“Năm qua, tình hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh liên tục diễn ra khiến sản lượng theo đó cũng sụt giảm, thêm vào đó giá tôm liên tục biến động... Có hơn 30% doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ khiến cho ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn...”, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh (CASEP) Lý Văn Thuận nhận định.
TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG
Năm 2012, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 420.500 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ (trong đó sản lượng tôm đạt 137.400 tấn, bằng 96% kế hoạch, tăng 4,5%); khai thác biển đạt khá, sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có khoảng 4.900ha nuôi tôm công nghiệp (NTCN), tăng 1.472ha so với năm 2011, năng suất đạt từ 5 - 8 tấn/ha; có 21.789ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, tăng 2,5 lần so với năm 2011, năng suất bình quân 600kg/ha. Kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, bằng 95% kế hoạch, tăng 4,4%. Đến nay, toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này với 34 nhà máy chế biến thủy, hải sản, công suất 191.000 tấn/năm.
Với sự chỉ đạo kỳ quyết, năm qua ngành kinh tế thủy sản có những đột phá vượt bậc, góp phần vào tiến độ phát triển chung của nền kinh tế tỉnh. Trên bước đà của năm qua, vào những tháng cuối năm 2012, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào vụ mới với đa dạng các hình thức nuôi; trong đó, con tôm thẻ dường như đã “lên ngôi” vì được nhiều người chọn nuôi bởi những đặc tính: Thời gian nuôi ngắn, năng suất cao...
Theo ông Lý Văn Thuận, thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu tôm nguyên liệu cho xuất khẩu như hiện nay: Huy động nguồn tôm có sẵn trong và ngoài tỉnh, nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, tái biến; tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng, đây là hình thức chế biến nguyên liệu một cách tiết kiệm, tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm; tăng cường hàng chế biến thủy sản ngoài con tôm: Cá, mực…, đây là những thế mạnh của tỉnh Cà Mau chưa được khai thác hiệu quả trong thời gian qua, trong khi nhu cầu của thị trường rất cao.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và xuất khẩu thủy sản để đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của thị trường. “Nói không với tôm tạp chất” là một kế hoạch lớn cần sự đồng thuận từ rất nhiều phía: Tuyệt đối không sử dụng chất kháng sinh bị cấm trong chăn nuôi và chế biến thủy sản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong phòng tránh tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu dùng cho chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có tiềm năng: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga...
Để có những mùa bội thu người nông dân cần tuân thủ theo lịch thời vụ.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT - LIÊN KẾT “4 NHÀ”
Ngành chuyên môn khuyến cáo, với người dân thực hiện mô hình NTCN nên bắt đầu vụ mới từ tháng 4 và những vùng tôm - lúa thì thời gian thả giống vào giữa tháng 3. Và đa dạng các hình thức liên kết sản xuất, trong đó liên kết “4 nhà” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được quan tâm thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay vấn đề liên kết “4 nhà” vẫn chưa thật sự phát huy được hiệu quả, mặc dù những năm qua đã có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ: Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản thông qua hợp đồng.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nêu một số giải pháp có tính chất định hướng thực hiện liên kết “4 nhà” trong NTCN, thực hiện vùng nuôi an toàn tại tỉnh Cà Mau trong thời gian tới: Phải quy hoạch và tổ chức lại sản xuất vì đã qua ngành có quy hoạch chung tổng thể sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có quy hoạch cụ thể. Đối với con tôm, hiện các địa phương đã có quy hoạch NTCN cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cụm NTCN tập trung để có chính sách khuyến khích đầu tư, sử dụng đất hợp lý. Xác định quy hoạch vùng nuôi an toàn trên cơ sở đảm bảo các điều kiện sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết vùng, liên kết nông hộ để tạo ra vùng nguyên liệu hàng hóa lớn (tôm, lúa) có năng suất, chất lượng cao. Gắn kết sản xuất theo hướng quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ đồng bộ, khép kín từ khâu ban đầu đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Tổ chức một số mô hình sản xuất liên kết: Mô hình Cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất tôm, lúa; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, mở rộng hình thức trang trại, gia trại; củng cố và nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác: Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hướng đến cho họ làm dịch vụ và tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện đầu tư vào nuôi tôm. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho sản xuất, gắn với quy hoạch từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó cần quan tâm xây dựng hệ thống đê bao khép kín từng tiểu vùng, đầu tư thủy lợi, thủy nông nội đồng, trạm bơm điện, trạm bơm động cơ, hệ thống cung cấp điện... nhằm đảm bảo điều kiện để NTCN. Trước mắt, mỗi địa phương cần khai thác tận dụng điều kiện hiện có, khắc phục bằng những giải pháp tạm thời, trước mắt, từng bước đầu tư cho hoàn chỉnh mới phát huy được hiệu quả của đầu tư.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vì nó có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra. Do đó, để thực hiện liên kết “4 nhà” phải phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở: Đào tạo lực lượng cán bộ khoa học có trình độ, năng lực, chuyên môn sâu, có kỹ năng, phương pháp tốt; đặc biệt trong lĩnh vực NTCN; hiện số cán bộ có trình độ chuyên môn cao có thể hướng dẫn cho người dân còn rất hạn chế, khoảng 30 người. Ngoài lực lượng cán bộ, cần quan tâm đào tạo thêm cộng tác viên nông dân sản xuất giỏi, cán bộ địa phương, thành viên THT, HTX... Trong đó quan tâm hỗ trợ các THT, HTX, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức khoa học - công nghệ, quản lý, nhất là kiến thức tiếp thị, hạch toán kinh tế thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Với những tiền đề quan trọng trong năm qua, cùng với sự vào cuộc từ rất sớm của ngành chức năng, tin rằng con tôm Cà Mau sẽ góp phần vực dậy ngành kinh tế thủy sản của tỉnh trong năm nay, một năm được nhận định sẽ có nhiều khó khăn và thử thách.