TIN THỦY SẢN

Thủy sản héo hon vì hạn

Thu hoạch cá giống Hạ Môn

Năm 2015 là năm làm ăn thất bát của ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nguyên nhân do hạn hán.

Nắng nóng gay gắt khiến nuôi trồng kém hiệu quả, kéo theo dịch vụ cung ứng giống cũng “đóng băng”.

Dự báo biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng, gây khó khăn cho các cơ sở SX giống thủy sản, đặc biệt là Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, đơn vị chuyên cung ứng giống cho cả khu vực.

Khó từ ngoài vào trong

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, mỗi năm có 2 vụ SX chính. Vụ đầu SX từ tháng 2 đến tháng 6, vụ thu bắt đầu từ tháng 10 kéo dài đến cuối năm. 

Ông Vũ cho biết: Năm nay bắt đầu từ tháng 4 đã xuất hiện nắng nóng gay gắt kéo dài trên toàn khu vực miền Trung. Các hồ chứa cạn nước, nhất là các hồ nhỏ, đã tước mất điều kiện sống của cá nước ngọt nên lượng cá nuôi giảm mạnh. Nhiều hộ không dám mua giống thả nuôi, hộ nuôi thì chỉ dám thả giống mật độ thưa.

Còn ở Tây Nguyên, bình thường thì đầu tháng 5 đã vào mùa mưa, nhưng năm nay mùa mưa đến chậm mất 1 tháng, đã làm ảnh hưởng đến nuôi cá nước ngọt. Thực tế trên đã khiến việc tiêu thụ cá giống bị ế ẩm.

“Năng lực SX của Trung tâm Giống thủy sản Bình Định mỗi năm có thể cung ứng khoảng 10 triệu cá giống nước ngọt gồm các đối tượng các truyền thống như mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, trôi trắng, trôi đỏ, chép, chim trắng… 

Do ảnh hưởng hạn hán, năm nay Trung tâm chỉ SX được 3,8 triệu con cá giống, đạt 53,6% so cùng kỳ năm 2014. Riêng cá rô phi đơn tính và cá điêu hồng, 2 đối tượng chủ lực được SX khoảng 4 triệu cá giống/năm cung ứng cho người nuôi ao, hồ, lồng bè trong năm nay cũng thất bại”, ông Vũ buồn bã cho biết.

Không chỉ bị ách tắc về thị trường tiêu thụ, trước bối cảnh hạn hán, việc duy trì hoạt động SX của các trại SX cá giống trên địa bàn Bình Định cũng gặp khó. Nắng nóng trong thời điểm tháng 4 tháng 5 đã khiến nhiệt độ nước tăng cao, đây lại là vụ SX chính gây cá khó đẻ, con nào đẻ được cá con gặp nhiệt độ cao, khi ươn nuôi bị lâm bệnh, đi tong cả vụ SX.

“Ngay cả đàn cá bố mẹ chúng tôi phải nuôi thưa để được an toàn. Đợi khi có mưa mới bắt đầu nuôi vỗ. Giai đoạn 1 nuôi vỗ béo, sau đó tiếp tục nuôi thêm 2 tháng nữa để hình thành buồng trứng và cho đẻ”, ông Vũ giải thích.

Làm sao để tồn tại?

Để ngành nuôi trồng thủy sản tồn tại được trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Thế Vũ, đây là bài toán khó mà ngành chức năng đang cố tìm đáp số. 

Trước bối cảnh này, không gì khác hơn là phải tìm ra những đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện ít nước, nhưng có thể thả mật độ dày, nuôi theo kiểu công nghiệp mới mong mang lại hiệu quả.

“Trong điều kiện thiếu nước cần phải sử dụng quạt nước tạo oxy. Muốn như vậy đối tượng nuôi phải có giá trị kinh tế cao, ví như cá điêu hồng, thì người nuôi mới dám đầu tư thiết bị.

Đặc biệt, ở những vùng nước lợ cần phải xem xét lại lịch thời vụ để mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi quá trình sinh trưởng phát triển của cá kéo dài từ 7 đến 8 tháng mới cho thu hoạch, thậm chí có đối tượng phải nuôi cả năm nên việc dịch chuyển lịch thời vụ cần phải nghiên cứu kỹ”, ông Vũ bộc bạch.

Trong SX giống, cũng theo ông Vũ, cần phải áp dụng giải pháp tiết kiệm nước tối đa. Hiện Trạm giống thủy sản Mỹ Châu đang quản lý 4 hồ chứa nước là các hồ: Hóc Hòm, Hóc Lách, Đồng Đèo 1, Đồng Đèo 2.

Tổng dung tích 4 hồ chứa chỉ có 660.000 m3 nước, trong đó hồ Hóc Hòm có 550.000 m3. Nước chứa trong 2 hồ Hóc Hòm và Hóc Lách nằm trong núi được xem là nguồn nước dự trữ, phòng khi hạn gắt lắm mới đưa ra sử dụng.

Phục vụ cho hoạt động SX chủ yếu là 2 hồ Đồng Đèo 1 và Đồng Đèo 2 trong khuôn viên trạm giống. Mỗi khi mưa to, nước tràn 2 hồ Đồng Đèo sẽ được dẫn vào hệ thống trong khu nuôi bằng đường ống chôn dưới đất.

Cũng theo ông Vũ, cả 4 hồ chứa nước do Trạm giống thủy sản Mỹ Châu quản lý, phục vụ SX giống đều được xây dựng từ những năm đầu giải phóng với thiết kế cho SX nhỏ, từ 500 ngàn đến 1 triệu cá giống/năm. Nay công suất đã tăng đến 10 triệu cá giống/năm, lượng nước các hồ chứa này không còn đủ đáp ứng, đó là chưa kể khi hạn hán hoành hành.

“Năm 2004, hồ Hóc Hòm được nâng cấp, tăng sức chứa từ 300.000 m3 lên 550.000 m3, các hồ kia sức chứa đã thấp, lại xuống cấp nghiêm trọng. Gặp lúc mưa to, nước đầy nhưng không dám giữ, vì cao trình vừa thấp vừa rệu rã. Chúng tôi đã đề nghị xin nâng cấp hồ Đồng Đèo 2, nhưng vì tỉnh chưa có kinh phí nên vẫn chưa thực hiện được”, ông Vũ cho hay.

“Trong điều kiện hạn hán, chúng tôi đề ra quy trình nuôi tiết kiệm nước tối đa, bằng cách sử dụng nước tuần hoàn. Khi nước trong hồ nuôi được xả ra bể ngoài, chúng tôi dùng thuốc xử lý, sau đó đưa vào ao nuôi trở lại để dùng. Cách này vừa tiết kiệm được nước, vừa không bị ảnh hưởng gì đến đàn cá bố mẹ”, ông Nguyễn Thế Vũ.

Hạ Môn Báo Nông nghiệp VN, 25/11/2015