TIN THỦY SẢN

Thủy sản 'sạch' vùng sinh thái Con Cuông

Mô hình nuôi cá leo thương phẩm được đánh giá phát triển tốt, sau 4 tháng nuôi đạt khoảng 5 lạng/con. Ảnh Tường Vi Tường Vi

Vận dụng lợi thế về diện tích mặt nước ao hồ, sông suối, người dân huyện Con Cuông đã nuôi nhiều loài cá đặc sản cho nguồn thu nhập cao.

Tận dụng nguồn nước sông Giăng tại đập Phà Lài, xã Môn Sơn, tháng 6/2017 gia đình ông Hà Hồng Tỵ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nuôi cá lồng bè, mỗi lồng thả 3 yến giống cá trắm, cộng với sự đầu tư của gia đình mở thêm lồng bè nuôi đặc sản cá lăng, cá bọp.

Sau 6 tháng cá phát triển tốt, con to nhất phát triển được khoảng 2 kg, dự kiến một năm gia đình ông Tỵ sẽ thu được 3 - 4 tạ cá/lồng; với giá thị trường hiện nay 100.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lồng.


Ông Vi Văn Đoàn nuôi 6 lồng cá bọp và cá trắm trên sông Giăng; mỗi năm cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/lồng. Ảnh: Tường Vi

Trên địa bàn hiện còn có gia đình ông Vi Văn Đoàn đang đầu tư nuôi cá lồng bè nhiều nhất huyện; có thời điểm nhà ông có trên 10 lồng bè, các thương lái vào tận nơi thu mua, mỗi năm thu lãi 300 - 400 triệu đồng.

Ngoài chính sách hỗ trợ mở rộng nuôi cá lồng bè, huyện Con Cuông còn khuyến khích bà con tận dụng nguồn khe suối làm ao nuôi cá. Năm nay, lần đầu tiên huyện thí điểm mô hình nuôi cá leo thương phẩm, trong đó hỗ trợ 100% giống cá, 60% thức ăn công nghiệp.

Sau 4 tháng,qua kiểm tra, mô hình được đánh giá phát triển tốt, từ kích cỡ cá giống nhỏ bằng ngón tay nay phát triển mỗi con trung bình 5 lạng, tỷ lệ sống khoảng 80%; với giá bán thị trường hiện nay 200.000 đồng/kg, dự kiến ao cá này cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với nuôi cá lồng bè.

Hầu hết bà con đều nuôi thủy sản bằng thức ăn tự nhiên để giảm chi phí.

Hiện nay tổng diện tích để huyện Con Cuông phát triển nguồn lợi về thủy sản là 114,6ha. Trong đó có hai con sông lớn là sông Lam và sông Giăng, 31 con khe suối lớn nhỏ như Khe Choăng, Khe Thơi, suối Khe Kèm, suối Tạ Bó... 11 hồ đập chứa nước; mỗi năm cho tổng sản lượng khai thác từ nuôi trồng 302,2 tấn.

Trước tình trạng thủy sản dần cạn kiệt, huyện Con Cuông đã triển khai “đề án bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản  trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 đến 2020”.

Mục tiêu của đề án bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản  trên địa bàn huyện nhằm khôi phục và tái tạo các loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, cung cấp lượng thực phẩm sạch cho nhân dân trong và ngoài huyện.


Cán bộ nông nghiệp kiểm tra mô hình thử nghiệm nuôi cá leo thương phẩm và hướng dẫn cách khử trùng ao, tạo môi trường nước sạch. Ảnh: Tường Vi

Từ năm 2018, huyện sẽ nhân rộng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới sự quản lý các xã, thị trấn có sông suối, hồ đập, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác đánh bắt, vi phạm luật thủy sản.

Đồng thời thực hiện các chính sách mở rộng diện tích nuôi trồng 134 ha, tương đương nuôi 50 lồng cá với sản lượng dự kiến đạt 550 tấn cá sạch trong năm 2020, giá trị thu lại khoảng 16,5 tỷ đồng. Đặc biệt, hình thành được các bãi đẻ của các loài cá đặc sản gắn với thực hiện quy trình nuôi sạch nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại môi trường sinh thái trong lành của huyện du lịch Con Cuông.

Tường Vi Báo Nghệ An