Thủy sản tiếp tục gặp khó
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố áp đặt thuế đối với tôm nhập khẩu từ 5 quốc gia; trong đó có Việt Nam. Mức áp thuế trung bình đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) Việt Nam là 4,52% và được cho là thấp hơn so với 4 quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế các mặt hàng CBTS của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có mức giá cao hơn các quốc gia khác và lâu nay người nuôi tôm gặp quá nhiều khó khăn.
Xứ tôm... nhập tôm
Hội thảo nghề nuôi tôm nước lợ Việt Nam vừa được tổ chức vào đầu tháng 8 tại Bạc Liêu một lần nữa cho thấy tình hình nuôi tôm nước lợ tại vùng ĐBSCL vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục nuôi trồng thủy sản (Bộ NNPTNT), năm 2011 toàn vùng ĐBSCL có đến gần 100.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh khiến nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy CBTS bị hạn chế.
Đến năm 2012, tình hình có khả quan hơn, nhưng dịch bệnh cũng làm cho trên 80.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Bước vào vụ nuôi năm 2013, người nuôi tôm gần như cạn vốn để tiếp tục đầu tư nuôi tôm dù năm 2013 tình hình tôm chết giảm đáng kể.
Nhiều đại biểu rất bất ngờ khi đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích: Chi phí đầu vào (điện, nước, xăng, dầu, thức ăn...) khiến chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng bán tại đầm ở Thái Lan khoảng 80.000 đồng/kg (loại 60 con/kg), trong khi tại Việt Nam từ 100.000 - 120.000 đồng/kg; loại 70 con/kg tại Thái Lan 75.000 đồng/kg, còn tại Việt Nam 95.000 đồng/kg. Điều này khiến việc nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước khác (chủ yếu là Thái Lan) vào Việt Nam là điều không tránh khỏi.
Theo VASEP, việc nhập khẩu tôm nguyên liệu nước ngoài làm lợi cho doanh nghiệp khoảng 1 USD/kg. Năm 2012, Việt Nam nhập tôm nguyên liệu trị giá khoảng 170 triệu USD và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nếu tình trạng giá thành tôm nguyên liệu trong nước không được cải thiện.
Sẽ tiếp tục nhập, nếu...
Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ NTTS - Bộ NNPTNT), hiện cả nước có đến 2.200 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường sản xuất trong nước và 500 sản phẩm nhập khẩu đang được lưu hành. Người nuôi không biết phải chọn sản phẩm nào. Giá các loại sản phẩm này tăng từng năm. Thức ăn nuôi tôm - chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành - cũng thường xuyên tăng giá. Chỉ trong 5 năm, giá thức ăn tăng gấp đôi khiến nỗ lực hạ giá thành tôm nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn.
Giá thành tôm nuôi tại Việt Nam cao - theo các đại biểu - còn do công tác quy hoạch chưa đồng bộ, vùng hạ tầng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Diện tích nuôi tôm tại vùng ĐBSCL chiếm trên 90% diện tích cả nước, nhưng chủ yếu nuôi theo mô hình quảng canh. Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh còn hạn chế nên năng suất thấp trong khi vốn đầu tư lớn dẫn đến lợi nhuận không cao.
Để con tôm ĐBSCL tiếp tục vươn xa, người nuôi tôm sống được bằng nghề và các nhà máy CBTS không thiếu nguyên liệu, tại hội thảo nhiều kiến nghị, giải pháp được nêu ra: Hoàn chỉnh quy hoạch; tăng cường quản lý chất lượng con giống; liên kết trong sản xuất; ổn định giá vật tư phục vụ nghề nuôi tôm... Dù vậy, theo Tổng cục Thủy sản, những vấn đề nói trên đòi hỏi pháp có giải pháp đồng bộ trong bối cảnh hạ tầng vùng nuôi tại ĐBSCL còn bất cập, con tôm vẫn chưa qua khỏi thời kỳ dịch bệnh. Chính vì vậy rất khó... ngăn cản các doanh nghiệp CBTS tìm nguyên liệu ở những nước giá thấp hơn tôm sản xuất trong nước; nhất là khi ngành thủy sản đang phải đối mặt với sự áp thuế vô lý của DOC.