Thủy sản: Xứng tầm hậu cần nghề cá
Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản trong đó có lĩnh vực khai thác thủy sản, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư, nâng cấp. Nhưng, thực tế khai thác hiện nay của ngư dân vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, cần thêm những hỗ trợ hơn nữa, đặc biệt là hậu cần nghề cá.
Đầu tư mở rộng
Sau gần 5 năm thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 và Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu góp phần vào phục vụ có hiệu quả cho hoạt động khai thác hải sản và neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn cho các tàu cá.
Ngày 12/4/2016, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Quyết định 1265/QĐ-BNN-TCTS về việc công bố danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; theo đó, công bố danh sách 51 khu neo đậu tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Cùng đó, nhằm tạo cơ sở vững chắc về hạ tầng cho chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam, quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc triển khai xây dựng 6 Trung tâm nghề cá lớn tại Việt Nam. Trong đó, có 5 trung tâm gắn với ngư trường trọng điểm khai thác, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và 1 trung tâm nghề cá đặt tại TP. Cần Thơ.
Trong giai đoạn (2011 - 2015), đã hoàn thành đầu tư xây dựng 60 khu neo đậu tránh trú bão với công suất đạt 42.131 tàu neo đậu theo yêu cầu (đạt 50,5% so với quy hoạch), hiện tại đang đầu tư 20 khu neo đậu tránh trú bão với công suất đạt 11.100 tàu neo đậu. Đến nay, cả nước có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và mở phục vụ cho tàu thuyền ra vào cập cảng buôn bán cá. Trong giai đoạn (2016 - 2020) sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các cảng cá loại I trong các Trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và khu vực miền Trung, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đang đầu tư xây dựng dở dang. Nguồn vốn để thực hiện chương trình này chủ yếu bằng ngân sách nhà nước từ ngân sách Trung ương và địa phương, kết hợp lồng ghép với các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP...
Vẫn còn trở ngại
Tại Phú Yên, mặc dù tàu cá đã ra được biển để thực hiện chuyến đánh bắt đầu năm khi UBND TP Tuy Hòa cùng DNTN Bảo Châu (đơn vị hỗ trợ nạo vét) đã kịp thời đưa trang thiết bị hỗ trợ nạo vét luồng tàu bị bồi lấp; nhưng hầu hết ngư dân ở phường Phú Đông vẫn còn lo lắng vì luồng tàu này đang bị bồi lấp trở lại. Ngư dân Nguyễn Hữu Phát, chủ tàu cá PY 96346 TS ở phường Phú Đông, cho biết, sau khi ra được biển, tôi đã đưa tàu chạy vào Cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa) để lấy tổn. Vì không phải bạn hàng nên vật tư, nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm… không thể mua nợ nhưng giá lại đắt hơn. Trung bình phí tổn mỗi chuyến biển lâu nay khoảng 110 triệu đồng thì chuyến biển này đã tăng thêm gần 10 triệu đồng do giá cả chênh lệch. Nếu ra khơi không gặp luồng cá thì đây là gánh nặng của ngư dân.
Sau đợt lũ muộn năm 2016 đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên), xã Cẩm Thanh, phường Cửa Đại và phường Cẩm Nam (TP. Hội An, Quảng Nam) phải nằm bờ vì ra khơi sợ mắc cạn ngay nơi sông Thu Bồn đổ ra biển ở Cửa Đại. Ngư dân Võ Tấn Bảo, thôn An Lương, xã Duy Hải cho biết, biển Cửa Đại năm nay tiếp tục bồi lấp nặng hơn các năm trước. Nhiều tàu cá ra khơi gặp cạn nên hư hỏng nặng. Ngư dân rất nóng ruột, muốn đưa tàu cá ra khơi nhưng sợ thiệt hại lớn. Chỉ mong các cấp chính quyền sớm có cách tổ chức nạo vét luồng để ngư dân được ra khơi đánh bắt hải sản.
Khu vực cửa biển thuộc bờ biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, rất nhiều tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt hải sản; nguyên nhân là do cát bồi lấp khiến cửa biển cạn dần. Hiện, ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và xã Trung Giang (huyện Gio Linh), hơn 100 tàu có công suất từ 60 CV trở lên, từ đầu năm đến nay không thể ra khơi được. Tàu xa bờ không thể ra khơi, nhiều người dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng gặp khó khăn theo. Như xưởng nước đá của chị Phan Thị Tùng ở thị trấn Cửa Tùng, mỗi ngày chị bán được 300 đến 400 cây đá, lợi nhuận thu 6 - 7 triệu đồng; nhưng, từ đầu năm đến nay, xưởng đá của chị Tùng vẫn nằm im lìm.
Theo đó, địa phương đã kiến nghị với tỉnh cho ứng một khoản kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để khơi thông luồng lạch, giúp ngư dân ra khơi được dễ dàng. Còn giải pháp lâu dài cần phải có đánh giá tổng thể về hiện tượng bồi lấp này, cũng như các giải pháp có tính bền vững. Trong đó, cần chú ý đến dòng chảy và hiện tượng bồi lắng. Việc nạo vét luồng lạch để giúp ngư dân ra vào cửa biển Cửa Tùng chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt.
Thứ trưởng BộN&PTNT Vũ Văn Tám trong Hội nghị triển khai Quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2016 - 2020 đã nhấn mạnh: Cần quy định các tiêu chí về môi trường tại các cảng cá để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu điều chỉnh công suất neo đậu phù hợp với hạ tầng cơ sở của từng cảng cá. Các địa phương nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế quản lý, quy trình duy tu bão dưỡng công trình cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa phương, quy hoạch và bố trí kinh phí để hoàn thiện các bến cá hiện có...
>> Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg về quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2020, định hướng 2030: Đến năm 2020, toàn quốc có 125 cảng cá gồm: 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.250.000 tấn/năm và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 116 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 98.310 tàu cá.