TIN THỦY SẢN

Tiềm năng lớn từ xuất khẩu cá cảnh

Tiềm năng lớn từ xuất khẩu cá cảnh Phương Vy

Thời gian qua, ngành nuôi và kinh doanh, xuất khẩu cá cảnh của TP Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố. Dự báo, thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp tại thành phố đều có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu…

Chủ cơ sở cá cảnh VietNam King Kamfa shop & fram (quận Tân Phú) Dương Gia Phong chuyên nuôi cá La Hán cho hay: "Năm nay, lượng xuất khẩu của cơ sở tăng 10 đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tôi đang xuất khẩu cá La Hán qua nhiều quốc gia như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Mỹ… Thị trường xuất khẩu cá cảnh năm nay rất khả quan, chiều hướng đi lên rất rõ rệt". Cũng theo anh Phong, mặc dù ngành nuôi và xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam đi sau nhiều nước khá lâu nhưng hiện nay, chất lượng cá xuất khẩu không thua kém. Tỷ lệ cơ sở trong lĩnh vực cá cảnh còn nhân giống được chiếm tới 70%.

Số liệu từ Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh) cho thấy, chín tháng đầu năm 2018, sản lượng cá cảnh sản xuất đạt 137 triệu con, tăng 19,13% so với cùng kỳ năm 2017. Các loại cá cảnh sản xuất chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, bảy mầu, hòa lan, hồng kim, bạch kim, bình tích, trân châu, mô ly, xiêm, ông tiên, ba đuôi, koi, ngựa vằn, la hán, neon… Trong khi đó, sản lượng cá cảnh xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đạt gần 15,23 triệu con (tăng 13,99% so với cùng kỳ năm 2017), kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 17,3 triệu USD (tăng 14,45% so với cùng kỳ). Dự báo, thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng, hầu hết cơ sở, doanh nghiệp tại thành phố đều có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Công ty TNHH Nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Cường Cá Cảnh Vina Fish Farm (huyện Bình Chánh) hiện cung cấp hơn 30 loài cá cảnh nước ngọt cho thị trường trong và ngoài nước. Giám đốc Công ty Cường Cá Cảnh Trương Trung Cường cho biết, sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng cho cá cảnh. Công ty TNHH Green Chapter (quận 1) là đơn vị sản xuất các loài tép cảnh, mỗi tháng sản xuất từ 1.000 đến 5.000 con tép các loại. Giám đốc Green Chapter Phan Minh Khánh nhận định, phong trào chơi tép cảnh ở Việt Nam đang khá mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, việc xuất khẩu cũng hạn chế do vướng mắc về các thủ tục cho nên cũng chưa khai thác được các thị trường nước ngoài. Chính phủ cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp về việc xuất, nhập khẩu các loại tép cảnh; các ngành chức năng nghiên cứu, cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp các loại thuốc kháng sinh, các giấy tờ chứng nhận để có thể xuất khẩu tép cảnh sang các thị trường khác.

Nuôi cá cảnh xuất khẩu được thành phố chọn là lĩnh vực quan trọng trong nền nông nghiệp đô thị. Do đó, thành phố đã có các chính sách phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỷ lệ sống từ 25% lên 70%...

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Trần Tấn Quý cho biết, năm 2018, thành phố nỗ lực để đạt sản lượng cá cảnh sản xuất là 180 triệu con, xuất khẩu từ 20 đến 21 triệu con với giá trị kim ngạch đạt 22 đến 23 triệu USD. Hiện nay, cá cảnh của TP Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đến 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Âu chiếm 54%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn để thị trường xuất khẩu cá cảnh trong nước cạnh tranh được với các đối thủ ngoại. Trong đó, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có sự liên kết chặt chẽ, nhất là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán. Ðiều này dẫn tới tình trạng không phát huy được sức mạnh thật sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố cũng còn ít.

Giám đốc ITPC Phạm Thiết Hòa nhấn mạnh: Cá cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; có nhiều tiềm năng phát triển; là một trong những sản phẩm chính của nông nghiệp thành phố trong chiến lược phát triển kinh tế. Từ năm 2016, ITPC đã phối hợp các sở, ban, ngành của thành phố tổ chức thường niên triển lãm cá cảnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cá cảnh thương hiệu của thành phố, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghệ nhân giới thiệu các giống cá đặc sắc, an toàn dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu...

Phương Vy Báo Nhân Dân