Tiềm năng thay thế bột cá bằng bột cám gạo trong thức ăn cá lóc
Trong một nghiên cứu gần đây của Trần Thị Thanh Hiền và cộng sự năm 2020 được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học và Nghiên cứu Xuất bản (IJSRP), về tiềm năng sử dụng bột cám gạo thay thế một phần bột cá và bột đậu nành trong công thức ăn cho cá lóc (Channa striata) ở giai đoạn giống giúp làm giảm giá thành thức ăn, nhưng vẫn đem lại tốc độ sinh trưởng đạt hiệu quả cao.
Cùng với sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản, thức ăn chiếm một vị trí rất quan trọng để đem lại một vụ nuôi thành công. Có đến 60% chi phí thức ăn cho một vụ nuôi và ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nông dân cũng như doanh nghiệp. Đối với nghề nuôi cá lóc ở Việt Nam ngày càng phát triển như hiện nay, thì nhu cầu về một loại thức ăn viên đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, và cùng với đó là giảm chi phí thấp nhất là rất quan trọng.
Bột cá có những bất lợi như là chi phí cao, tính biến động về chất lượng cũng như số lượng trên thị trường do phụ thuộc nhiều vào lượng cá khai thác trong tự nhiên. Ngoài ra, bột đậu nành được xem là loại nguyên liệu có nguồn gốc thực vật đáp ứng được nhu cầu về chất dinh dưỡng cho động vật thủy sản, nhưng vẫn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cũng như chứa một lượng đáng kể chất kháng dinh dưỡng. Vì vậy, bên cạnh các nguồn như bột cá và bột đầu nành, việc nghiên cứu thêm các loại nguyên liệu khác nhằm khắc phục hạn chế của chúng là rất quan trọng.
Cám gạo cũng là một nguồn cung giàu protein (8,34-16,3%), chất béo, chất xơ và các nguyên tố vi lượng. Cám gạo đã được sử dụng trong thức ăn công thức cho động vật trên cạn và các loài nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, cám gạo là một loại phụ phẩm thu được trong quá trình xay xát lúa để sản xuất gạo, đây được xem là một loại nguyên liệu rất đa dạng và phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Sử dụng cám gạo trong công thức thức ăn ở cá sẽ giúp làm giảm giá thành và vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Cám gạo một loại nguyên liệu rất quen thuộc đối với chúng ta. Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện trên cá lóc ở giai đoạn giống, được chọn với kích cỡ giao động từ 4.51 - 4.63g được nuôi trong bể composite 500L với số lượng là 50 con cho mỗi bể, và được cho ăn 2 lần trong ngày (8 giờ sáng và 14 giờ chiều).
Thí nghiệm gồm có 4 nghiệm thức và tiến hành trong 8 tuần. Với một nghiệm thức đối chứng là không có cám gạo (0% cám gạo). Các nghiệm thức còn lại bao gồm 10%, 20%, và 30% cám gạo trong thành phần công thức thức ăn. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Nguyên liệu chính của thức ăn bao gồm bột cá, bột đậu nành, bột khoai mì, và bột cám gạo. Tỷ lệ bột cá:bột đậu nành là 6:4. Nhiệt độ được đo mỗi ngày dao động từ 27.0 - 28.0oC, pH vào khoảng 7.6 - 7.7 và oxy hòa tan là 6.68 - 6.76 ppm, hai chỉ tiêu này được đo hàng tuần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về tốc độ sinh trưởng của cá lóc giống ở nghiệm thức thay thế 10% bộ cám gạo so với nghiệm thức đối chứng. Vì trong cám gạo rất giàu chất khoáng và vitamin B, đặc biệt là vitamin B1 rất cần thiết cho sự phát triển của cá, chúng đóng vai trò trong quá trình trao đổi carbonhydrate. Ngoài ra, không có sự khác biệt rõ rệt về lượng thức ăn ăn vào, FCR và tốc độ sinh trưởng ở cả 3 nghiệm thức 10% đến 30% bột cám gạo. Tỷ lệ sống của cá giống ở cả 3 nghiệm thức này đều cho kết quả cao từ 60.0 đến 69.3%.
Theo tác giả, sử dụng bột cám gạo cho cá lóc ở giai đoạn giống với các mức từ 10 đến 30% là rất hiệu quả và không ảnh hưởng đến cá và việc thay thế 30% bộ cám gạo trong công thức thức ăn của cá lóc giống sẽ giúp làm giảm chi phí thức ăn đến mức thấp nhất.
Qua nghiên cứu này cho ta thấy được bột cám gạo là một mọi nguyên liệu có tiềm năng rất lớn sử dụng cho thiết lập công thức thức ăn ở các loại động vật thủy sản, nhằm giảm giá thành thức ăn nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng.
Nguồn: Tran Thi Thanh Hien, Vo Minh Que Chau, Ly Vu Minh, Tran Le Cam Tu, Tran Minh Phu, Pham Minh Duc (2020); Development of formulated diets for snakehead (Channa striata): use of rice bran and feeding stimulants in fish meal/soybean meal diets; International Journal of Scientific and Research Publications (IJSRP) 10(07) (ISSN: 2250-3153), DOI: http://dx.doi.org/10.29322/IJSRP.10.07.2020.p10302.