TIN THỦY SẢN

Tiềm năng và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Sơn La

Thu Hiền

Là một tỉnh miền núi phía bắc với nhiều lợi thế về lòng hồ, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng hiện nay Sơn La vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thủy sản nội tỉnh.

Tiềm năng

Sơn La có diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng trên 8000 ha, trong đó 2.440ha ao, trên 5000 ha hồ đập công trình thủy lợi lớn nhỏ, gần 5.000 ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá, có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, 35 dòng suối lớn nhỏ. Tỉnh Sơn La còn có hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với diện tích mặt nước thuộc địa phận tỉnh Sơn La là trên 20.000 ha (hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận Sơn La là 7.900 ha, hồ thủy điện Sơn La là 13.000ha). Điều đó khẳng định Sơn La là một tỉnh miền núi có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để phát triển thủy sản ở tỉnh Sơn La tương đối mạnh so với các tỉnh miền núi phía bắc khác như Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu. Nguồn nhân lực đó được phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh. Lực lượng cán bộ chuyên ngành thủy sản không những ở cơ quan quản lý Nhà nước mà còn được phân bổ đến các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Hệ thống các trại sản xuất giống đều có cán bộ được đào tạo chuyên ngành thủy sản với trình độ đại học, trung học và công nhân kỹ thuật. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có nguồn lao động ở các lĩnh vực khác cũng tham gia nuôi và khai thác thủy sản.

Nuôi cá là một nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh Sơn La rất phong phú và đa dạng, có nhiều loài cá bản địa có giá trị cao về khoa học và kinh tế.

Về nguồn lợi thủy sản, theo số liệu thống kê năm 1986 của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Sơn La có 123 loài cá, trong đó có trên 60 loài có giá trị kinh tế, giống loài thủy sản tự nhiên tại Sơn La có sự lai tạp giữa các loài cá thuộc khu hệ cá suối, điển hình là cá cháo, cá chạch hoa, cá nheo suối, cá chiên suối, cá bỗng suối với khu hệ cá sông miền núi đại diện là cá nheo sông, cá lăng chấm, cá ngão, cá bỗng và khu hệ cá sông đồng bằng như cá chép, cá diếc, cá trôi sông hồng, cá vền, cá mè trắng Việt Nam.
Tuy nhiên theo số liệu điều tra những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên của Sơn La đã giảm sút nhiều, hiện chỉ còn 74 loài cá thuộc 37 giống, trong đó có 5 loài trong sách đỏ Việt Nam là cá chày đất, cá bám đá liền, cá lăng chấm, cá chiên, cá anh vũ.

Theo ông Trần Huy Chấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sơn La, nguyên nhân cơ bản của tình trạng giảm số lượng cá nói trên là do đồng bào dân tộc chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi thủy sản đối với đời sống kinh tế, xã hội và ý nghĩa của công tác bảo tồn các loài giống thủy sinh vật. Mặc dù Luật Thủy sản đã được ban hành năm 2003 quy định các hình thức cấm khai thác (xung điện, lưới kích thước mắt nhỏ so với quy định.. ) và ngành đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều kênh, song do địa bàn rộng, phức tạp, kinh phí và nhân lực hạn chế nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn, nhiều người dân vẫn ngang nhiên sử dụng các ngư cụ và phương tiện đánh bắt đã bị cấm.

Định hướng phát triển

Với những lợi thế về tự nhiên và con người, tỉnh Sơn La đã đưa ra quan điểm và định hướng phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh mình. Nhận thức được ngành thủy sản không chỉ thu được lợi ích về kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đô thị hóa nông thôn… đặc biệt là bảo vệ được môi trường sinh thái, hướng tới phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Sơn La chú trọng thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhận dân, mọi thành phần kinh tế, phát huy nội lực của tỉnh. Bên cạnh đó tăng cường trao đổi, hợp tác, du nhập công nghệ mới phù hợp với điều kiện tự nhiên thế mạnh của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng và thế mạnh mặt nước của địa phương. Tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng, từng bước vững chắc trên con đường hội nhập trong nước và quốc tế. Trên cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tăng giá trị kim ngạch thủy sản, mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải thiện lao động nghề cá. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thích hợp vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thúc đẩy công tác bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái ở những vùng nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đồng thời có biện pháp hữu hiệu phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư, ưu tiên những vùng trọng điểm, đồng thời đưa nhanh các công trình, dự án được xây dựng vào sản xuất, khai thác hiệu quả vốn đầu tư và tham gia tích cực vào công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh vùng lòng hồ.

Năm 2012, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 8 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi 6 nghìn tấn, 2 nghìn tấn sản lượng khai thác. Sản lượng giống đạt 75 triệu con cá hương, cá giống các loại và 60.000 con ba ba giống. Diện tích nuôi thủy sản đạt 3.527 ha, trong đó diện tích nuôi ao 2.400 ha, diện tích nuôi cá ruộng 600 ha, diện tích hồ thủy lợi 500 ha, nuôi thủy đặc sản 27 ha (5 ha cá nước lạnh, 20 ha ba ba gai, 2 ha tôm càng xanh), nuôi cá lồng đạt 300 lồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La cần được hướng dẫn thực hiện các quy định, quy chế về truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng giống, quản lý khai thác và nuôi trồng thủy sản, sớm thành lập hệ thống kiểm ngư để tỉnh có hành lang pháp lý, tăng cường công cụ triển khai công tác quản lý Nhà nước về thủy sản đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần được sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khảo nghiệm các giống loài nuôi mới và thuần hóa những giống loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.
 

Thu Hiền fistenet.gov.vn