TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Cần nhìn nhận đúng vai trò con tôm trong ngành Nông nghiệp

Thành Công

Tại Hội Nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ” vừa được tổ chức tại Tp Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Bộ trường Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Bất cập của ngành tôm nước ta hiện nay là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho quản lý; năng suất thấp, chưa bền vững, dễ bị tổn thương; thị trường vẫn bấp bênh, khó cạnh tranh, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là con tôm vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò và tiềm năng, việc phân bổ nguồn lực đầu tư, chính sách khuyến khích vẫn chưa thật sự hợp lý”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôm nước lợ là sản phẩm có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trên 3 triệu USD, tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu lao động, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội nước ta. Sau ảnh hưởng của đợt hạn, mặn các tháng đầu năm 2016, các địa phương đã và đang tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm đang hồi phục và tăng trưởng tốt.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, nghề nuôi tôm nước lợ đang nổi lên như một ngành có tiềm năng và dự địa phát triển lớn nhất của ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng mở rộng vùng nuôi. Đặc biệt, vùng ĐBSCL, nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thể tập trung phát triển thành trung tâm sản xuất, chế biến tôm của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, bất cập của ngành tôm nước ta hiện nay là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho quản lý; năng suất thấp, chưa bền vững, dễ bị tổn thương; thị trường vẫn bấp bênh, khó cạnh tranh, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là con tôm vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò và tiềm năng, việc phân bổ nguồn lực đầu tư, chính sách khuyến khích vẫn chưa thật sự hợp lý.

Do đó, cần thống nhất xác định tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển con tôm, đưa ra các giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam, hình thành ngành công nghiệp tôm phát triển chủ động, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Tổng cục Thủy sản xây dựng Chương trình tổng thể phát triển tôm nước lợ theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả và phát triển bền vững; tham mưu thành lập bộ phân thường trực của Bộ Nông nghiệp và PTNT để xem xét, rà soát, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành tôm. Đồng thời, giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sớm thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam.

Giao Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương rà soát, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tôm nước lợ cho phù hợp với thực tế và định hướng phát triển ôm nước lợ, biến thách thức của biến đổi khí hậu thành lợi thế phát triển. Đồng thời, giao Vụ Kế hoạch tham mưu Lãnh đạo Bộ làm việc với các Ban, Bộ, Ngành trung ương liên quan rà soát, đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực (bao gồm vốn ODA) để thực hiện quy hoạch; tham mưu báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực thực hiện Quy hoạch trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Giao vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản đề xuất các nhiệm vụ khoa học tập trung vào các khâu: chọn tạo, gia hóa giống tôm tăng trưởng, sạch bệnh, kháng bênh; công nghệ thức ăn nuôi tôm; giải pháp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, xử lý chất thải; công nghệ chế biến; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

UBND các tỉnh nuôi tôm trọng điểm căn cứ tiềm năng, điều kiện thực tế và chiến lược phát triển của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm, đề xuất hình thành khu/trung tâm sản xuất tập trung/công nghệ cao nhằm thu hút nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành tôm…

Thành Công Tiền Giang, 23/10/2016