Tiền Giang: Đào ao trên nền đất lúa để nuôi thủy sản
Hai năm nay, nhiều nông dân ở Tiền Giang đã đào ao trên nền đất lúa để nuôi thủy sản. Việc nuôi trồng tự phát này đã làm thu hẹp diện tích đất lúa và gây ô nhiễm nguồn nước...
Nhiều hộ dân ở huyện Cai Lậy phá đất lúa đào ao nuôi cá giống.
Cán bộ “đầu têu” cho dân
Gia đình chị Nguyễn Thị H cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi đào ao trên ruộng lúa để ương cá giống. Chị H cho biết: “Đầu năm nay, khi thấy một số bà con đào ao ương cá tra giống có lãi cao, nên vợ chồng tôi cũng vay mượn tiền đầu tư đào 3.000m2 đất lúa để nuôi cá. Nhưng cũng chỉ lời được vụ đầu, còn từ các vụ sau toàn lỗ vốn”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Cai Lậy, trên địa bàn đã có hơn 170 hộ đào ao trên 114ha đất lúa để ương cá tra giống, tập trung nhiều ở các xã Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Phước Tây… Việc đổi mục đích sử dụng đất tự phát này xảy ra từ đầu năm 2011 khi thị trường cá tra giống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khan hiếm và sốt giá. Tại các khu vực nuôi thủy sản này, các hộ còn khoan 58 giếng để lấy nước ngầm bơm vào ao. Hoạt động này hoàn toàn không có giấy phép và thiếu sự kiểm soát của chính quyền và ngành chức năng địa phương.
Đáng nói là nhiều cán bộ, đảng viên ở các địa phương này vì lợi ích trước mắt đã “đi đầu” trong việc đào đất lúa nuôi thủy sản, vừa phá vỡ vùng quy hoạch trồng lúa vừa gây ô nhiễm môi trường. Đó là ông Phan Văn Khải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy). Ông Khải là một trong số trường hợp đầu tiên ở xã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất để ương cá tra giống. Sau đó, trong xã có 96 hộ dân bắt chước ông Khải phá đất lúa làm ao ương cá tra giống.
Riêng ông Nguyễn Văn Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) tuy không trực tiếp đào ruộng nuôi cá, nhưng đã cho các hộ dân khác thuê 6 công đất ruộng của gia đình để đào ao nuôi thủy sản.
Ô nhiễm môi trường nước
Việc đào ao, khoan giếng lấy nước ngầm để nuôi thủy sản trái phép đã phá vỡ quy hoạch diện tích lúa của tỉnh Tiền Giang theo quy hoạch chung của cả nước. Nếu mô hình này không ngăn chặn kịp thời sẽ làm giảm diện tích lúa tại Tiền Giang.
Một số chuyên gia cảnh báo: Nuôi thủy sản, nhất là cá tra không theo quy hoạch sẽ làm ô nhiễm môi trường nước, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng. Riêng hệ thống giếng nước ngầm khai thác không đúng quy định sẽ làm ô nhiễm tầng nước ngầm.
Về thực trạng này, bà Trần Kim Mai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Quan điểm của Tiền Giang là quyết tâm giữ diện tích lúa ổn định, không để nông dân nuôi thủy sản chạy theo phong trào. Đối với những hành vi tự phát đào ao nuôi cá trên diện tích đất trồng lúa là vi phạm Luật Đất đai về sử dụng đất không đúng mục đích, không được Nhà nước cho phép.
Việc khoan giếng tầng nông đã vi phạm Chỉ thị 12 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT làm việc với UBND huyện Cai Lậy tìm hướng xử lý vấn đề này”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy lại cho rằng: “Vì chi phí san lấp cao, nên nhiều khả năng nông dân sẽ không chấp hành chỉ đạo trả lại hiện trạng ban đầu của đồng ruộng. Khi nông dân không thực hiện thì không có biện pháp chế tài nào khả thi. Huyện cũng không có nguồn kinh phí chi cho công việc này”.