TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Đề nghị bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra

Công Bằng

Ngày 22/6/2015, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 2875/UBND-KTN về việc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi về điều kiện chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, đề nghị sửa đổi quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh, và bãi bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 13 doanh nghiệp chuyên chế biến cá tra xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Tiền Giang đạt tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản ước thực hiện 30,5 ngàn tấn, trị giá 140 triệu USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra là 130,7 triệu USD, với sản lượng 55.942 tấn.

Trước tình hình, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục phản ánh những vấn đề bức xúc, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ. Ngày 17/6/2015, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Qua cuộc hợp cho thấy, đa số các doanh nghiệp rất đồng thuận với ý nghĩa và yêu cầu của Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, nhất là điều kiện kinh doanh con cá tra trong cơ chế thị trường hiện nay thì nên có lộ trình điều hành cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu thực hiện quy chuẩn tại Điểm b Khoản 3 Điều 6 về tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu; các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 về hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hiện chưa có khách hàng và đối tượng đặt hàng tiêu thụ.

Thủ tục về điều kiện xuất khẩu cá tra theo Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP phải đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam, đưa vào điều kiện bắt buộc cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Kết quả là các lô hàng cá tra điều phải đưa vào luồng vàng để hải quan kiểm tra tất cả hồ sơ khi làm thủ tục hải quan; phát sinh thêm rất nhiều chi phí, thời gian, nhân lực để thực hiện việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Tp Cần Thơ, nếu đăng ký hợp đồng trễ hoặc không được chấp thuận thì các lô hàng xuất khẩu sẽ bị lưu kho tại cảng, phát sinh chi phí,…; việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu thành một thủ tục hành chính, một dạng giấy phép để được xuất khẩu là chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Trung ương về cải cách thủ tục hành chính.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Điểm b và Điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP: “Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra sau khi loại bỏ lớp mạ băng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu; doanh nghiệp phải ghi, công bố tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh ghi trên nhãn mác bao bì”. Đồng thời, xem xét hủy bỏ Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về việc thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, điều kiện xuất khẩu.

Công Bằng Sở NN&PTNN Tiền Giang, 05/07/2015