TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản

Thành Công

Trong 10 năm qua (2005-2015), ngành Thủy sản Tiền Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh; với việc giá cả vật tư đầu vào cho các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng cao; trước các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng của người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu…song với sự quyết tâm của lãnh đạo, nhất là sự năng động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản đã giúp cho Ngành tiếp tục có những kết quả tích cực.

Đạt được những kết quả nổi bật

Trong giai đoạn 2005-2015, mặc dù các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản nhìn chung đều diễn biến bất lợi hơn  nhiều so với giai đoạn 1995-2005. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các hoạt động sản xuất thủy sản tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 ước đạt 233 ngàn tấn (tăng 27% so năm 2005); kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 330 triệu USD (gấp gần 7 lần so với năm 2005), tạo thêm việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.

Về nuôi trồng thủy sản, năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt là 15.749 ha (tăng hơn 30% so với năm 2005), sản lượng thu hoạch ước đạt 140 ngàn tấn (tăng gần 130% so với năm 2005) với 04 đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế đó là tôm nước lợ, nghêu, cá điêu hồng và cá tra.

Về sản xuất giống thủy sản, nếu như năm 2005, con giống thủy sản phục vụ nuôi thương phẩm trong tỉnh phần lớn được thu từ tự nhiên hay mua ngoài tỉnh thì hiện nay trong tỉnh có 09 trại sản xuất và ương dưỡng tôm giống và trên 1.000 cơ sở và hộ sản xuất, ương cá giống với diện tích 525 ha, ước sản lượng giống sản xuất năm 2014 là hơn 1,3 tỷ con giống các loại, đáp ứng được phần lớn nhu cầu con giống của người nuôi thủy sản trong tỉnh đồng thời cung cấp một lượng lớn giống cá ra ngoài tỉnh.

Về khai thác thủy sản, tổng số tàu cá của năm 2015 ước tính là 1160 chiếc,  với tổng công suất là trên 345 ngàn cv, bình quân là gần 300 cv/tàu (tăng gần gấp đôi so với năm 2005); tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 ước đạt 93 ngàn tấn (tăng 24% so với năm 2005). Số lượng tàu chỉ bằng 90 % so năm 2005 (là do giảm nhanh được số tàu khai thác gần bờ), tuy nhiên năng lực khai thác xa bờ đã có sự gia tăng mạnh mẽ; ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cao công suất, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá đã có bước phát triển đáng kể, đã góp phần tích cực đảm bảo cho chế biến, bảo quản, nâng cao được giá trị gia tăng các sản phẩm khai thác; trong đó chỉ riêng 02 cảng cá Vàm Láng và Mỹ Tho, hàng năm đã đáp ứng được các nhu cầu dịch vụ hậu cần của trên dưới 50 ngàn tấn thủy sản khai thác.

Về chế biến thủy sản, trong giai đoạn 2005-2015, năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản đã tăng gần 5 lần. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến thủy sản; điều đáng quan tâm là có tới gần 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô tương đối lớn, trong đó nhiều doanh nghiệp nằm trong nhóm đầu về giá trị xuất khẩu của cả nước. Sản lượng chế biến năm 2015 ước đạt trên 150 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 330 triệu USD, tăng gần 7 lần so với năm 2005.

Hoạt động chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa trong 10 năm qua cũng phát triển khá mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có 60 cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa, gồm 17 cơ sở nước nắm, 43 cơ sở sơ chế, thu mua, mắm tôm, mắm ruốc, thủy sản khô,…cung cấp lượng lớn sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt

Trải qua 10 năm phát triển (2005-2015), nhìn chung kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục để có được sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, việc thực hiện quy hoạch tuy đảm bảo theo kế hoạch nhưng công tác triển khai các dự án quy hoạch được phê duyệt còn rất chậm. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy sản còn thấp, đặc biệt là trong xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi cá tra thương phẩm nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp nên hiệu quả nuôi còn thấp, nông dân nuôi cá thường thua lỗ. Môi trường nuôi thủy sản ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm, thời tiết ngày càng phức tạp, dịch bệnh gia tăng. Giá cả thức ăn và thuốc hóa chất liên tục tăng nhanh hơn mức tăng bình quân của giá thủy sản thương phẩm nên hiệu quả kinh tế của nghề nuôi có xu hướng giảm.

Công tác quản lý chất lượng con giống được thực hiện chưa tốt. Đàn cá bố mẹ (điêu hồng, tra,…) có dấu hiệu suy thoái về mặt di truyền, vì thế chất lượng con giống nhìn chung có dấu hiệu suy giảm, nuôi chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt tăng cao làm giá thành sản xuất tăng. Chưa xây dựng và xác lập thương hiệu một số đối tượng giống thủy sản chủ lực của địa phương vốn có thế mạnh trên thị trường. Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu.

Đối với nghề khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, thời tiết ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản ngày càng có dấu hiệu sụt giảm; nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu khai thác xa bờ ngày càng khó khăn về cả số lượng, lẫn chất lượng. Công nghệ khai thác còn chậm đổi mới, giá cả nhiên liệu thường ở mức cao,…dẫn đến hiệu quả kinh tế của hoạt động khai thác thủy sản chưa thật ổn định.

Đối với chế biến thủy sản, năng lực chế biến xuất khẩu tuy lớn nhưng sản phẩm chưa thật sự đa dạng mà chủ yếu vẫn là cá tra phi lê (khoảng trên 80% khối lượng), các sản phẩm giá trị gia tăng chưa nhiều, nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Các mặt hàng chế biến truyền thống, tiêu thụ nội địa còn ít về mặt số lượng, chủng loại, thị phần thấp, khả năng cạnh tranh không cao,…

Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, ngành Thủy sản Tiền Giang trong vài năm gần đây đã phát triển chậm lại nhiều so với giai đoạn 2005 – 2011, nhất là đối với lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản; hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, của bà con ngư dân có xu hướng giảm rõ rệt.

Để tạo ra thêm động lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới nhằm khắc phục, vượt qua được những tồn tại, thách thức nêu trên, ngành Thủy sản sẽ phải tập trung thực hiện quyết liệt nội dung Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp; Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Trong đó, trước mắt sẽ tập trung vào những giải pháp chủ yếu nhằm khai thác tốt hơn, phát huy nhiều hơn những tiềm năng, lợi thế sẳn có, cụ thể là:

Đối với lĩnh vực khai thác: thực hiện tốt chính sách phát triển Thủy sản theo nội dung Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, các chính sách khuyến khích phát triển khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá khác nhằm đầu tư cải tạo kịp thời kết cấu hạ tầng tại các cảng cá; phát triển nhanh, mạnh đội tàu, các hệ thống dịch vụ hậu cần, đặc biệt là để phát huy vai trò đầu mối trong phân phối đối với các loại thủy sản khai thác của Cảng cá Mỹ Tho,… nhằm giảm được chi phí sản xuất tăng được giá trị gia tăng cho các sản phẩm khai thác.

Đối với lĩnh vực nuôi: Hình thành các chuỗi liên kết từ nuôi, chế biến, tiêu thụ đối với các sản phẩm nuôi chủ yếu như cá tra, rô phi,…nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các thành viên tham gia từ người cung cấp giống, người nuôi cho đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là đối với đối tượng tôm nuôi nước lợ. Tập trung phát triển các mô hình nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh về thủy đặc sản tươi sống cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh,...

Đối với lĩnh vực chế biến xuất khẩu: khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới các dây chuyền chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng (đặc biệt là đối với cá tra), đồng thời đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu (phát triển thêm ngành hàng tôm) để có thể gia tăng kim ngạch cũng như hiệu quả chế biến xuất khẩu.

Thành Công Tiền Giang, 19/09/2015