TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Trở thành “đại gia” nhờ kiên trì với nghề nuôi cá tra

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG TRÍ

Vốn là nông dân vùng sông nước miền Tây với đức tính cần cù, sáng tạo và nhạy cảm với thị trường, ông Nguyễn Văn Đời (Năm Đời), ngụ ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) quyết tâm làm giàu từ con cá tra trên chính mảnh đất quê hương của mình. Ông nuôi cá tra từ khi nghề nuôi thâm canh đối tượng này mới phát triển và đến nay, đã trải qua nhiều thăng trầm, nhiều nông dân nuôi cá thua lỗ phải “bỏ ao” nhưng hàng năm ông Năm Đời vẫn lời bạc tỷ...

Ông Năm Đời kể, thấy được tiềm năng từ con cá tra, ngay từ năm 2003, ông đã quyết định đầu tư nuôi cá tra thâm canh bằng mô hình nuôi đăng quầng ven sông Tiền trên diện tích 5.000 m2. Do mới bước vào nghề nuôi cá tra nên ông không nắm được kỹ thuật nuôi, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu vốn sản xuất, trong khi mô hình nuôi đăng quầng đòi hỏi cao về kỹ thuật quản lý chất lượng nước, kinh nghiệm phòng trị bệnh do bề mặt đăng quầng thông trực tiếp với sông Tiền. Chính vì những khó khăn như vậy, cộng với việc lựa chọn mô hình nuôi không phù hợp đã làm cho vụ cá tra đầu tiên của ông Năm Đời có giá thành rất cao nhưng giá cá thời điểm thu hoạch thấp nên vụ cá này bị thất bại nặng nề.

Dù “gian nan” ngay từ vụ đầu tiên nhưng không nản chí, ông Năm Đời đã khăn gói sang tận An Giang làm thuê cho các hộ nuôi cá ở địa phương này để học hỏi kinh nghiệm thực tế trong thời gian hơn 1 năm. Sau đó, ông Năm Đời trở lại quê hương đào 2 ao cá tra với diện tích mỗi ao khoảng 5.000 m2 trên đất vườn cây ăn trái đang cho thu hoạch của gia đình để tiếp tục ước mơ làm giàu với con cá tra. Nhờ những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm thuê, cộng với việc chọn đúng mô hình nuôi đã giúp ông Năm Đời quản lý tốt ao nuôi cá tra, hạn chế dịch bệnh, cá hao hụt ít nên giá thành nuôi cá nằm ở mức hợp lý. Vấn đề còn lại là giá cả thị trường thời điểm thu hoạch cá sẽ quyết định hiệu quả sản xuất, và lần này may mắn đã mỉm cười với ông Năm Đời khi giá thành nuôi cá năm 2005 chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng giá cá thu hoạch lên tới 14.500 - 17.500 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 2 tỷ đồng.

Thắng lợi lớn của vụ cá tra năm 2005 đã thôi thúc ông Năm Đời mạnh dạn chuyển hết 6 ha đất vườn cây ăn trái sang ao nuôi cá, đồng thời mua thêm đất mở rộng diện tích nuôi đối tượng này, và ông Năm Đời lại tiếp tục thắng lợi với lợi nhuận mỗi năm hàng chục tỷ đồng trong những năm 2006 đến 2008. Trong năm 2014 - 2015, không ít nông dân nuôi cá tra đã bỏ ao chuyển sang nghề khác hay phải bán đất trả nợ thì ông Năm Đời lại mở rộng thêm 2 ao nuôi cá tra. Hiện nay, ông có tổng cộng 13 ao nuôi cá tra thâm canh với diện tích mỗi ao khoảng 5.000 m2 ở Cồn Phú Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và Cồn Lác, huyện Chợ Lách (Bến Tre). Ngoài ra, ông Năm Đời còn có 6 hecta đất trồng nhãn Idol tại cù lao Tân Phong và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Bước qua thời kỳ hoàng kim, từ năm 2008, nghề nuôi cá tra có dấu hiệu “tuột dốc” với tình trạng giá cả và đầu ra bấp bênh, nhiều lúc giá cá tra thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá lỗ nặng. Trong hoàn cảnh như vậy, không ít nông dân đã bỏ nghề, bán ao trả nợ hay chuyển sang nuôi đối tượng khác, nhưng ông Năm Đời chưa bao giờ có ý tưởng bỏ ao nuôi cá tra. Bởi ông tin tưởng vào tiềm năng của con cá tra: “Tôi luôn tin tưởng rằng nghề nuôi cá tra sẽ đi vào nề nếp, người nuôi cá tra rồi sẽ có lợi nhuận xứng đáng với công sức đầu tư bỏ ra. Tâm niệm của tôi là đã đào ao rồi thì phải cố gắng hết sức sao cho nghề nuôi cá tra đạt hiệu quả cao nhất”.

Chính nhờ niềm tin mãnh liệt vào con cá tra mà từ năm 2008 đến nay, dù phần lớn thời gian giá cá tra nằm ở mức thấp, nông dân nuôi cá thua lỗ nhưng ông Năm Đời vẫn lãi đều. “Nhờ có nhiều ao cá nuôi rải vụ, cá thu hoạch nhiều thời điểm trong năm, ao này bù lỗ cho ao kia nên hơn 10 năm nuôi cá tra, tôi chưa bao giờ lỗ. Điểm mốc đáng nhớ gần đây nhất là năm 2008, tôi có ao nuôi cá tra quá lứa hàng trăm tấn nhưng nhờ ngành nông nghiệp tỉnh mời tham dự cuộc họp bàn cách giải quyết tình trạng cá tra quá lứa mà tôi ký được hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp với giá 15.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 12.000 đồng/kg. Còn các ao nuôi cá tra khác cố gắng cầm cự đến cuối tháng 9 năm đó thì cá tra tăng vọt lên 25.000 - 26.000 đồng/kg và tôi thu hồi được vốn đã bỏ ra. Ngoài ra, những năm giá cá quá thấp cũng nhờ nuôi gia công cho doanh nghiệp nên tôi cũng thoát lỗ”, ông Năm Đời chia sẻ.

Với kinh nghiệm nuôi cá tra hơn 10 năm của mình, ông Năm Đời cho biết, việc quản lý môi trường ao nuôi, quản lý chặt chẽ sức khỏe cá nuôi là vô cùng quan trọng, trong đó cần chú ý khâu chọn giống, mật độ thả không quá dày, không sử dụng hóa chất kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng của Bộ NN&PTNT để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; đặc biệt là cần áp dụng phương pháp cho cá ăn 1 ngày - nghỉ 1 ngày, hay cho cá ăn 1 ngày - nghỉ 3 ngày, nếu giá cá thấp phải nuôi cầm chừng chờ giá. Việc áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn không chỉ giúp cá sử dụng hiệu quả thức ăn, giảm hệ số thức ăn mà còn hạn chế chất thải từ nuôi cá, giúp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, “bí quyết” vượt khó quan trọng nhất của ông Năm Đời trong thời điểm ngành cá tra “tuột dốc” là liên kết được với doanh nghiệp chế biến cá xuất khẩu để ổn định đầu ra cho sản phẩm và có lợi nhuận ổn định.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG TRÍ Khoa học phổ thông, 25/08/2015