Tiến sỹ trẻ say mê chữa bệnh cho tôm
Sinh ra và lớn lên ở TPHCM nhưng từ nhỏ Trần Hữu Lộc (29 tuổi) đã thích tìm hiểu về thế giới thủy sản. Lộc được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại trường Đại học Arizona (Mỹ) và tìm ra nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt.
Nghiên cứu của anh được đánh giá là một trong 20 sự kiện nổi bật của trường Đại học Arizona năm 2013.
Tìm câu trả lời trong ba năm
Khi biết anh nghiên cứu về bệnh tôm chết hàng loạt, tôi cứ nghĩ chắc bạn sinh ra ở nông thôn, tuổi thơ gắn với những đầm tôm, cá?
Cũng nhiều người suy nghĩ như bạn, nhưng thực tế tôi là dân Sài Gòn chính gốc, sinh ra và lớn lên ở Thủ Đức (TPHCM). Tôi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TPHCM chuyên ngành thủy sản và được nhận sang Mỹ học thẳng lên Tiến sỹ tại Đại học Arizona chuyên ngành vi sinh và bệnh học trên tôm từ năm 2010. Tôi thích tìm hiểu về thế giới thủy sinh, vương quốc của tôm, cá.
Khi 10 tuổi, tôi đã đọc ngấu nghiến quyển sách “Biển-Cái nôi của sự sống”, từ đó, tôi có đam mê với ngành thủy sản. Tôi thích đi câu cá, không phải để kiếm thực phẩm mà để nghiền ngẫm, hiểu loài cá và thế giới của chúng.
Bệnh tôm chết sớm xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010 đã làm nhiều người nông dân điêu đứng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Anh đã biết đến căn bệnh này và nghiên cứu nó như thế nào?
Năm 2010, khi tôi sang Mỹ cũng là lúc ở Việt Nam xuất hiện một bệnh trên tôm gọi là “Hội chứng tôm chết sớm-hay còn gọi là Hội chứng hoại tử gan tủy cấp trên tôm nuôi EMS/AHPNS”. Bệnh này chưa được ghi nhận trong lịch sử khoa học bệnh tôm của thế giới, gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Đề tài này được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử khoa học bệnh tôm. Sau 3 năm nghiên cứu, tôi đã xác định được nguyên nhân của bệnh EMS/AHPNS là những dòng đặc biệt của một loài vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn có tên Vibrio parahaemolyticus.
Tôi đã đăng các nghiên cứu này trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về bệnh thủy sản và được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Nghiên cứu của tôi được Trường Đại học Arizona chọn là 1 trong 20 sự kiện của trường năm 2013. Việc hoàn thành nghiên cứu này giúp tôi hoàn thành chương trình Tiến Sỹ sau 3 năm học.
Trong khi khoa học thế giới gần như bó tay với dịch bệnh lạ này anh lại lao vào nghiên cứu, chắc hẳn có rất nhiều khó khăn, rủi ro?
Đúng là thế giới gần như bất lực sau vài năm nghiên cứu nguyên nhân của dịch bệnh lạ này. Một nỗ lực mang tính quốc tế rất lớn với sự tham gia của nhiều tổ chức nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho nguyên nhân dịch bệnh.
Tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn. Có khi 5 giờ sáng tôi đã phải đi làm, đến các trại thực nghiệm hoàn thành công việc nghiên cứu một cách chuẩn xác rồi lại về trường học khi quần áo vẫn còn ướt. Học xong, tôi lại vào phòng thí nghiệm nghiên cứu tiếp, chiều đến hai trại thực nghiệm rồi lại quay lại trường làm việc tới khuya. Có ngày tôi làm việc đến 18 tiếng hoặc hơn là bình thường. Dù bận rộn, tôi vẫn sắp xếp thời gian để về Việt Nam lấy mẫu nghiên cứu.
Gặp khó khăn, phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng tôi có được nhiều bài học xương máu, có kinh nghiệm và sự tự tin. Nếu trong tương lai ngành tôm của ta đối mặt với một vấn đề tương tự, tôi có thể biết mình nên làm gì.
Cùng với nghiên cứu, tôi viết đề cương xin tài trợ. May mắn là nhiều đối tác đã đồng ý tài trợ cho nghiên cứu như World Bank, Global Aquaculture Alliance, FAO, các tập đoàn thủy sản trong và ngoài nước. Bà con nông dân đã hết sức hỗ trợ tôi.
Trần Hữu Lộc (bên trái) trao đổi với các chuyên gia bệnh học của trường Đại học Cornell (Mỹ). (Ảnh: Tâm Trần)
Bỏ tiền túi mời Giáo sư Mỹ về Việt Nam
Làm việc nhiều với người nông dân, anh học hỏi được gì từ họ?
Một đức tính rất quý của người nông dân Việt Nam là tinh thần luôn học hỏi và tìm kiếm giải pháp để tiến lên phía trước, có chí cầu tiến cao. Tôi có đi các nước Đông Nam Á để hỗ trợ kỹ thuật và dạy nông dân họ các vấn đề về thủy sản và nhận thấy nông dân của các nước lân cận Việt Nam có suy nghĩ không quyết liệt như nông dân của ta. Điều này dạy cho tôi một bài học rằng phải luôn luôn nỗ lực làm việc tốt, tiến về phía trước và làm được những việc có ích cho bà con.
Được biết anh thường xuyên về Việt Nam để tổ chức các hội thảo khoa học về thủy sản, bỏ tiền túi mời các Giáo sư đầu ngành ở Mỹ tham gia hội thảo tại Việt Nam?
Tôi đã tổ chức hàng chục lượt hội thảo khoa học trong đó tôi và các giáo sư hàng đầu thủy sản ở nước ngoài là diễn giả. Các hội thảo thu hút đông đảo sinh viên, nhà khoa học, các đơn vị kinh doanh, nuôi trồng thủy sản tham gia. Tôi rất vui khi các chủ đề thông tin về dịch bệnh, biện pháp giảm rủi ro, tăng tính bền vững trong sản xuất thủy sản được bà con quan tâm và áp dụng. Tôi cũng sẵn sàng cung cấp email, số điện thoại để bà con gọi khi cần tư vấn.
Còn chuyện bỏ tiền túi mời giáo sư thì cũng không hẳn, có nhiều khi tôi bỏ tiền mua vé máy bay, thuê khách sạn cho các giáo sư, nhưng phần lớn tôi mời các giáo sư sang Việt Nam khi biết họ có lịch làm việc ở các nước Đông Nam Á. Họ cũng rất vui vẻ nhận lời vì muốn làm việc tốt cho cộng đồng. Thù lao cho họ thường chỉ là một buổi nói chuyện vui vẻ với vài cốc bia lạnh và các món ăn dân dã của Việt Nam.
Tôi cũng sẵn sàng nhận lời sang các nước bạn để hỗ trợ kỹ thuật như ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, các nước Ả Rập, Nam Á và sắp tới là các nước Mỹ Latinh theo yêu cầu của FAO.
Mong nông dân không phải cầm sổ đỏ vì tôm
Mục tiêu lớn của anh là giúp người nông dân đứng vững được với việc nuôi trồng thủy sản, làm lợi kinh tế, và mục tiêu xa hơn nữa là gì?
Tôi mong bà con nông dân nuôi thủy sản sẽ giữ được cái sổ đất và nhà của mình. Ước mơ nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế nghề này nhiều rủi ro, có khi nông dân trắng tay vì dịch bệnh hoặc biến động giá cả khiến họ thua lỗ phải cầm cố tài sản nhà cửa, đất đai. Tôi mong một ngày không xa, Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu tôm số một thế giới, người dân nuôi tôm sẽ có cuộc sống sung túc với nghề nuôi tôm.
Tôi nghĩ việc làm chủ khoa học về bệnh tôm là một trong các chìa khóa quan trọng. Tôi và nhiều người có tâm huyết với nghề tôm đang xúc tiến xây dựng một cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tôm. Tôi muốn sẽ tiếp tục có kết nối với các chuyên gia về bệnh tôm để dần dần Việt Nam sẽ tự làm chủ được ngành khoa học này và khoa học sẽ đến được với bà con nông dân một cách hiệu quả nhất.
Trần Hữu Lộc.
Chuyện anh được bạn bè gọi là "giáo sư bệnh tôm thẻ", "đại sứ thương hiệu dép tổ ong" tại Arizona tại Mỹ là thế nào?
Tôi hay đi phượt cùng bạn bè mỗi khi về Việt Nam và thấy bạn bè hay đi dép tổ ong. Tôi thấy hay và được bạn bè tặng mấy đôi mang sang Mỹ. Chất liệu dép tổ ong rất bền, lại nhẹ và đi êm chân. Khi đi máy bay, lái xe đường dài ở Mỹ, đi dép tổ ong, tôi cảm thấy thoải mái và cũng đỡ nhớ nhà. Bạn bè ở Mỹ thấy hay có nhờ tôi mua cho vài đôi nên bạn bè phong cho tôi danh hiệu “đại sứ dép tổ ong”.
Cảm ơn anh.
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TPHCM, Trần Hữu Lộc được học bổng tại 3 trường đại học ở châu Âu và 3 trường đại học ở Mỹ nhận sang học thẳng lên Tiến sỹ và đài thọ học bổng toàn phần. Trần Hữu Lộc quyết định chọn Đại học Arizona.