Tiêu chuẩn nào cho thủy sản Việt Nam?
Tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ) và cá tra, hiện có rất nhiều tiêu chuẩn được đặt ra cho 2 đối tượng nuôi này, như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… khiến người nuôi gặp không ít khó khăn trong việc quyết định nên nuôi theo quy chuẩn nào để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận với mức giá cao nhất có thể.
Nhìn vào các tiêu chuẩn thủy sản có thể thấy, ngoại trừ VietGAP là tiêu chuẩn trong nước, còn lại đều là những tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cái khó ở đây đối với người nuôi là mỗi tiêu chuẩn chỉ có giá trị tại một vài thị trường nhất định, chứ không công nhận qua lại lẫn nhau, kể cả tiêu chuẩn vốn được mang tên toàn cầu là GlobalGAP. Trong khi đó, người nuôi hoàn toàn mù mịt, không biết sản phẩm mình sẽ được tiêu thụ ở đâu, nếu không có sự liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Theo ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, muốn bán được tôm nước lợ vào thị trường nào, chúng ta phải chấp nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn của thị trường đó, chứ không hề có một tiêu chuẩn chung cho tất cả các thị trường, kể cả GlobalGAP. Ông Quang dẫn chứng: “Hiện nay, cả 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam là: Mỹ, Nhật và EU đều không quan tâm đến chứng nhận VietGAP, kể cả GlobalGAP, mà chỉ có đạt chứng nhận ASC, BAP hoặc con tôm sạch không nhiễm kháng sinh, vi sinh hay các chất cấm khác thì họ mới chấp nhận mua. Vì vậy, không nhất thiết phải đưa ra khuyến cáo nuôi tôm theo chứng nhận này”.
Đối với con cá tra, có phần nhẹ nhàng hơn, khi có một số thị trường chấp nhận tiêu chuẩn VietGAP bên cạnh tiêu chuẩn BAP. Theo phân tích của các chuyên gia, giữa VietGAP với GlobalGAP, ASC hay BAP đều có những nội dung, tiêu chuẩn tương thích nhất định, nên từ VietGAP chỉ cần nâng cấp thêm một số nội dung là có thể đạt các chứng nhận trên. Do đó, dù chưa được công nhận nhiều trên thị trường thế giới, nhưng VietGAP vẫn có một vai trò và vị trí nhất định trong quá trình sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
VietGAP không chỉ là bộ tiêu chuẩn quốc gia dành riêng cho sản phẩm trong nước, mà còn tiêu chuẩn để đánh giá cho các sản phẩm nông, thủy sản nước ngoài muốn nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với 2 sản phẩm thủy sản chủ lực là cá tra và tôm nước lợ, dù chủ yếu dành cho xuất khẩu, nhưng nếu người nuôi thực hiện ngay từ đầu các tiêu chuẩn ASC, BAP… sẽ rất khó và tốn kém, nên việc thông qua con đường VietGAP được xem là khả thi nhất. Một khi người nuôi đã quen với VietGAP thì việc chuyển sang các tiêu chuẩn khác như ASC, BAP… sẽ dễ dàng hơn.
Ông Huỳnh Quốc Tịnh – Điều phối Chương trình Nuôi trồng Thủy sản và Thực phẩm, thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho rằng, VietGAP là cần thiết vì mỗi quốc gia cần có một tiêu chuẩn riêng của mình, để làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, cũng cần tìm ra những điểm tương đồng của VietGAP với các tiêu chuẩn khác để có thể đàm phán, công nhận lẫn nhau một phần hoặc hoàn toàn, làm căn cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung các nội dung tiêu chuẩn.
Như vậy có thể thấy, không có một chứng nhận nào cho thủy sản có thể đại diện cho tất cả các thị trường tiêu thụ, mà muốn bán được sản phẩm vào thị trường nào, chúng ta phải đạt chứng nhận tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người nuôi cần liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để biết được mình nên sản xuất theo tiêu chuẩn nào là có lợi nhất. Hay nói một cách khác, cần tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp hơn và gắn với hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, như cách mà HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, ở xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) đã và đang thực hiện với Công ty cổ phẩn Thủy sản Sóc Trăng Stapimex, thông qua việc được trao chứng nhận ASC.